2015: Năm của hiệp định thương mại tự do và 5 cái “nhất”

Có thể nói 2015 là một năm “kỷ lục” về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.

Nhiều hiệp định thương mại tự do nhất

Trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn.

Trong đó, Việt Nam kết thúc đàm phán 2 hiệp định lớn, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Hai hiệp định thương mại đã được ký kết, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu (VCUFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).

Chưa kể đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được chính thức thành lập kể từ 22/11 năm nay.

Liên kết với nhiều nước nhất

TPP được ký kết giữa 12 nước với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

EVFTA mở đường cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Liên minh châu Âu, bao gồm 27 nước thành viên.

Ban đầu, Liên minh Kinh tế Á Âu bao gồm 3 thành viên chính thức là Nga, Belarus, Kazakhstan. Armenia và Kyrgyzstan được phê chuẩn tham gia liên minh sau đó.

Cộng với VKFTA, 4 hiệp định củng cố mối quan hệ thương mại của Việt Nam với 44 nước.

Quy mô thị trường tiềm năng lớn nhất

Thị trường TPP có quy mô 800 triệu người, chiếm 40% GDP toàn cầu tại 30 nghìn tỷ USD; cao gần gấp đôi so với dung lượng thị trường EU tại 500 triệu người, GDP đạt 10 nghìn tỷ USD.

Thị trường của Liên minh kinh tế Á Âu có tổng dân số hơn 175 triệu người và GDP 2,5 nghìn tỷ USD.

Hàn Quốc có hơn 50 triệu dân với GDP đạt 1,4 nghìn tỷ USD.

Tổng cộng, các FTA trong năm qua đưa Việt Nam tiếp cận với thị trường tiềm năng lên tới hơn 1,4 tỷ người, GDP đạt 43,7 nghìn tỷ USD.

Tác động dự đoán lớn kỷ lục

Theo tính toán của Viện kinh tế quốc tế Peterson, trong điều kiện lý tưởng, TPP có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. So với thời điểm chưa có hiệp định, thu nhập của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tăng 13% và xuất khẩu tăng hơn 37%.

Ngân hàng Thế giới thì dự đoán TPP sẽ gia tăng 8-10% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Tương tự với VCUFTA, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể bán được nhiều hàng vào 3 nước thuộc Liên minh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia.

Ước tính, khi VCUFTA được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%.

Dự kiến, việc tạo ra khu vực thương mại tự do cho phép thương mại giữa ba nước của Liên minh Hải quan và Việt Nam sẽ vượt mức 10 tỷ USD đến năm 2020.

Đối với EVFTA, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) dự đoán hiệp định này có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho GDP của Việt Nam tăng 7 – 8% vào năm 2025, xuất khẩu tăng 50% vào năm 2020 và 93% vào năm 2025.

Sau khi VKFTA có hiệu lực vào ngày 20/12, Việt Nam và Hàn Quốc đặt mục tiêu đẩy kim ngạch song phương từ 33,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2015 lên 70 tỷ USD trong năm 2020.

Nhiều biểu thuế được dỡ bỏ nhất

12 nước thành viên tham gia Hiệp định TPP cam kết xóa bỏ từ 78 – 95% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngay sau khi Hiệp định.

Trong cam kết mở cửa thị trường hàng hóa thông qua loại bỏ thuế quan của Liên minh kinh tế Á Âu dành cho Việt Nam, có khoảng 59% biểu thuế được dỡ bỏ sau khi hiệp định có hiệu lực; 25% được cắt giảm theo từng năm.

Với Hàn Quốc, chính quyền Seoul đã cam kết giảm 95,4% dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam, cao hơn so với mức 89,2% của Việt Nam dành cho Hàn Quốc.

Riêng với EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Với những con số trên, không quá khi nói 2015 là một năm “kỷ lục” về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.

Theo Bizlive

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)