Chung Con gặp nạn: Đôi điều suy nghĩ – Phần 2

Chung Con gặp nạn: Đôi điều suy nghĩ – Phần 2

J.B Nguyễn Hữu Vinh

rfavietnam

Tại Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội

Chiều 19/1/2010, mấy anh em chở mình lên số 7 Thiền Quang, là trụ sở của Đội Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội.

Nơi này, những người dân Hà Nội có một thời chỉ nghe tên đã toát mồ hôi. Cảnh sát ở đây được mệnh danh là “thần chết”, bất chấp mọi luật lệ cũng như tình người. Ở đó chỉ có bạo lực và âm mưu, người dân truyền tai nhau đã vào đó thì kiểu gì cũng bị chúng đánh đập, tra khảo tùy thích. Ở đó, chẳng có pháp luật nào với đến để can thiệp, để xem luật lệ được sử dụng ra sao. Người dân Hà Nội còn truyền tai nhau rằng ở đó, công an đánh người không gây thương tích bên ngoài, nhưng đã nếm đòn ở đó thì đến tượng đá cũng phải khai theo ý công an.

Cũng chẳng có gì lạ lắm, bởi đa số các đối tượng bị lôi vào đây là đối tượng hình sự, đâm chém, ma túy và đủ thứ tội phạm nên công an xử đủ mọi thứ cách bức cung nhục hình mà không dám kêu ca, hé răng.

Mình bước vào nơi này với một chiếc áo khoác và nhét trong túi nắm thuốc đang uống dở vì trận đòn hôm 11/1 tại Đồng Chiêm và một chai nước mang từ nhà. Đến cổng, để lại chứng minh thư, được hướng dẫn vào cầu thang lên tầng 3. Tại đó, một cảnh sát tên Sơn, người đưa giấy triệu tập hôm trước đến nhà, gặp mình, anh ta hỏi:

– Cái giấy triệu tập của anh đâu?

– Hôm qua để đấy gió bay mất đâu đó, hoặc con xé mất rồi.

 

– Hôm qua tôi đã dặn anh mang theo giấy triệu tập rồi sao anh không mang đến.

– Mất rồi thì không còn mà mang, vậy nếu không có giấy thì có làm việc không? Nếu không thì tôi về, khi nào tìm được hoặc có giấy mới thì đến vậy.

– Thôi, anh ngồi đây làm việc đi.

Và anh ta ngồi vào bàn, mình ngồi đối diện. Mình hỏi ngay:

– Yêu cầu anh cho tôi biết: Cơ sở luật pháp nào để anh đưa giấy triệu tập tôi lên đây ngày hôm nay?

Có lẽ anh ta chưa gặp câu hỏi này lần nào, anh ta lúng túng:

– Thì chúng tôi là công an, nghe tin anh bị mất máy ảnh ở Mỹ Đức, chúng tôi phải điều tra.

– Anh nghe tin tôi bị mất máy ảnh từ đâu?

Chả là hôm mình bị đánh tại Đồng Chiêm, công an cướp cái máy ảnh và đánh mình gãy một chiếc răng, Báo chí nước ngoài loan tin rộng rãi nhưng báo chí nhà nước thì im tịt. Anh ta trả lời:

– Thì chúng tôi nghe qua thông tin báo chí và biết anh mất máy ảnh nên chúng tôi là công an nên phải điều tra.

– Tốt, công an như vậy là tốt, vậy mà trước giờ nhà nước cứ bảo không nên nghe đài báo nước ngoài. Bây giờ công an cũng phải tin báo chí nước ngoài rồi đấy nhé. Vì tôi bị đánh và cướp máy ảnh nhưng chỉ báo chí nước ngoài đăng chứ báo chí nhà nước không dám đăng. Vậy các anh đã điều tra đến đâu rồi?

– Thì bây giờ chúng tôi mới triệu tập anh lên để lấy cơ sở điều tra.

– Anh đừng loanh quanh. Rõ ràng anh vừa bảo là các anh nhận thông tin từ báo chí nên mở cuộc điều tra theo chức năng. Giờ lại bảo mời tôi lên để lấy cơ sở điều tra là sao? Vậy việc điều tra đã tiến hành chưa?

Anh ta lúng túng không thể trả lời nên đành nói:

– Thôi, anh ngồi chờ chút em mời sếp em ra làm việc với anh.

Anh ta đi vào, lát sau ra thêm hai người nữa, một người tự xưng tên là Hải, Phó phòng CS Hình sự, nói giọng Nghệ Tĩnh và một chú còn trẻ ôm đống giấy tờ ra ngồi cùng bàn. Người tên Hải nói:

– Chúng tôi muốn mời anh lên làm việc về một số vấn đề. Đề nghị anh hợp tác với chúng tôi.

– Hẳn nhiên tôi hợp tác mới lên đây, chứ nếu không thì lên đây làm gì? Nhưng một số vấn đề là vấn đề gì đề nghị anh cho biết rõ.

– Thì vừa qua, có một số vấn đề tại Đồng Chiêm và những nơi khác, anh có tham gia. Đề nghị anh viết cho tờ tường trình về việc ở Đồng Chiêm, Mỹ Đức.

– Thôi, anh xem lại cái giấy triệu tập đi. Trong đó ghi rõ: “Hỏi việc liên quan đến mất máy ảnh ở Mỹ Đức”. Do vậy, hôm nay tôi chỉ làm việc đúng như nội dung giấy mời đã ghi, ngoài ra tôi không làm việc gì khác.

– Thôi thì làm việc về vấn đề đó vậy. Anh viết cho tờ tường trình về việc đó.

– Không, tôi không có nhu cầu viết về việc đó để tường trình. Bởi tôi không có nhu cầu nhờ công an trong việc này. Tôi biết ai đã đánh tôi và cướp máy ảnh của tôi, các anh còn rõ hơn nên chẳng cần tường trình các anh cũng thừa biết.

– Nhưng nguyên tắc là phải có đơn mới tiến hành điều tra được. Nên anh cứ viết cho mấy chữ.

– Tôi đã bảo là tôi không viết. Trong giấy triệu tập các anh ghi rõ là “Hỏi việc liên quan đến mất máy ảnh ở Mỹ Đức”. Hỏi chứ có bảo viết về việc mất máy ảnh đâu, do vậy nếu các anh hỏi thì tôi trả lời còn không thì thôi. Với lại tôi đau tay không viết được.

Anh chàng tên Sơn nói chêm vào:

– Chiều qua, anh còn viết nhoay nhoáy vào giấy triệu tập được mà giờ anh lại bảo đau tay?

– Thì tôi mới đau sáng nay, mới đau lúc nãy thì sao? Vấn đề là tôi không viết, không thích viết vì không có nhu cầu.

Người tên Hải nói tiếp:

– Thôi, nếu anh không viết thì chúng tôi viết cũng được, chỉ là vì muốn có nét chữ của anh trong hồ sơ điều tra cho có giá trị.

Vậy thì những lần tôi làm việc với công an, toàn công an ghi và tôi ký tên thì không có giá trị à?

Anh ta im lặng rồi nói:

– Vậy giờ chúng tôi viết và anh trả lời vậy. Đề nghị anh cho biết như nội dung giấy triệu tập là liên quan đến việc mất máy ảnh ở Mỹ Đức.

Rồi anh ta bảo một chú còn trẻ:

– Giờ anh Vinh nói và em viết nội dung vào nhé.

Tôi bảo:

– Vậy thì chuẩn bị giấy bút đầy đủ mà ghi nhé.

Chú trẻ tuổi cầm một tập giấy trắng khá dày trong chiếc cặp, nhanh nhảu:

– Chú yên tâm, giấy thoải mái.

Tôi bảo chú:

– Chừng đó giấy sao đủ mà thoải mái.

Chú công an trẻ tuổi ngạc nhiên:

– Sao cả tập này mà còn chưa đủ?

Tôi sẽ trình bày đúng yêu cầu của cơ quan công an những việc liên quan đến mất máy ảnh ở Mỹ Đức. Nội dung gồm có hai phần.

Phần một là: Tôi là công dân Việt Nam, nên tôi mới vào Mỹ Đức để bị mất máy ảnh. Liên quan đến việc này, vì sao tôi là công dân Việt Nam, tôi sẽ trình bày lịch sử hình thành đất nước và nòi giống Việt Nam, từ thời Dựng nước Văn Lang, Âu Lạc rồi quá trình giữ nước cho đến quá trình hình thành các địa danh, các giai đoạn lịch sử cho đến hôm nay có đất nước Việt Nam.

Và qua đó, sự hình thành giòng giống gia đình tôi từ đâu… cho đến khi tôi thành công dân ở Hà Nội cho đến ngày hôm nay. Những điều đó liên quan đến hình thành việc tôi đến Mỹ Đức tuần trước.

Phần thứ hai: Tôi là người Công giáo, nên tôi đến giáo xứ Đồng Chiêm ở Mỹ Đức nên mới mất máy ảnh. Tôi sẽ trình bày về lịch sử Giáo hội Công giáo là gì, được hình thành và phát triển ra sao, truyền bá vào Việt Nam khi nào, đến Mỹ Đức và hình thành Giáo xứ đó ra sao. Rồi họ xây dựng Thánh giá đó khi nào trên Núi Thờ, rồi nhà cầm quyền Hà Nội dùng công an và mìn vào phá, đánh đập giáo dân ra sao. Còn về phần tôi thì gia đình họ hàng tôi theo công giáo từ khi nào, quá trình phát triển ra sao và tôi vào đạo công giáo như thế nào cũng như tôi đã đến Mỹ Đức vì lý do gì và đến ra sao….

Đấy, tôi sẽ trình bày đầy đủ những thứ liên quan như vậy được chưa?

Anh chàng trẻ tuổi được giao nhiệm vụ ngồi ghi giãy nãy:

– Ôi, chú mà nói hết những thứ đó thì cháu ngồi ghi cả năm à?

Mình bảo:

Cả năm là thế nào? Phải ít nhất là 3 năm. Từng đó mà một năm sao đủ nói hết?

Cả ba viên công an ngồi nhìn nhau ngơ ngác. Cuối cùng, viên công an tên Hải là phó phòng đành nói:

– Thôi, vậy anh chỉ trình bày việc mất máy ảnh thôi vậy.

– OK, vậy thì viết đi.

Và mình nói:

– Chiều ngày 10/1/2010, tôi đang ở trong nhà thờ Đồng Chiêm, thì nghe nói công an đổ đất chặn đường vào Đồng Chiêm. Tôi cùng cha phó xứ ra xem tình hình ra sao.

Ra đến qua đoạn đê đầu làng, thấy có đống đất mới đổ chặn đường. Tôi xuống xe, cha Liên đang vướng xe máy phía sau. Tôi bước qua đống đất thì thấy một đoàn người khoảng hơn chục người mặc quần áo công an và bộ đội chạy lại phía tôi. Tôi tưởng có việc gì phía sau ngoái cổ lại xem thì bị đánh tới tấp bằng gậy, bằng tay.

Tôi chưa hiểu chuyện gì thì bị đánh ngã xuống, khi đó, nghe tiếng kêu từ phía công an đang đứng: “Cướp lấy cái máy ảnh” thì tôi bị đánh ngất đi.

Nói tới đó, mình nghỉ và móc túi lấy mấy viên thuốc ra uống. Tay công an tên Hải lấy cho mình cốc nước nóng, mình bảo:

– Cảm ơn, tôi có nước rồi. Và giờ xong việc rồi nhé, tôi về.

Viên công an tên Hải ngơ ngác:

– Đã xong đâu, anh mới nói đến đoạn anh ngất đi, rồi sau đó thế nào?

Thì đến khi ngất đi thì còn biết gì nữa mà hỏi. Anh cứ hỏi những công an đến đánh tôi và cướp máy ảnh của tôi thì rõ hơn chứ tôi ngất đi thì làm sao biết mà trả lời. Tôi trả lời vậy là đủ yêu cầu của anh rồi đấy. Giờ xong việc là tôi về thôi.

Không có lý do gì để buộc mình nói thêm, viên công an trẻ đưa tờ giấy cho mình:

– Chú ký vào bản này.

Nhìn qua thấy ghi là “Bản tường trình” mình nói:

– Đây đâu phải tường trình? Cậu làm công an thì phải hiểu tường trình là do mình tự thuật lại gửi đến, còn dây là các cậu hỏi và mình trả lời, mình giúp các cậu tìm hiểu sự việc chứ đâu phải tường trình. Sửa lại đi.

Có lẽ không còn gì để có thể buộc mình nói thêm nữa. Viên Công an tên Hải nói:

– Thôi thì anh ở lại đây chút, sếp bọn em muốn gặp anh chút.

– Thôi, để khi khác, tôi hôm nay mệt, để hôm sau gặp.

– Chẳng mấy khi anh lên đây, sếp bọn em cũng bận suốt nên bố trí hôm nay gặp anh, anh cố gắng chờ chút. Sếp đi họp sắp về đến nơi rồi đấy.

– Vậy thì nhanh lên, nhưng trước hết là mình ra ngoài đường hút điếu thuốc lá đã, chắc ở đồn công an không hút thuốc lá.

– Không, anh cứ ra đây hút.

Và hai viên công an dẫn mình ra hành lang, chỗ có cái ghế dài, hai công an hai bên, mình ngồi giữa cùng hút thuốc lá, cái gạt tàn là chiếc thùng đựng rác để trước mặt. Mình chú ý thì hai công an, một hút thuốc 3 số 5, một hút thuốc ngựa trắng. Mình lôi trong túi ra gói thuốc Vinataba và ngồi cùng hút, phía sau là tấm bảng đỏ chữ vàng: “Cấm hút thuốc”.

Cả ba ngồi hút xong điếu thuốc thì hai người đi vào phòng, mình ngồi chút rồi vào phòng nói:

– Thôi, mình về đã, hôm sau gặp sau.

Viên công an tên Hải vội ra:

– Sếp em về đấy rồi anh ơi, anh chờ chút đi.

(Còn nữa)

Ngày 6/8/2020

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)