Cuộc gặp cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng

Nam Giang
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Ngày 27/10, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp với các quan chức Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội lần thứ hai, chỉ trong vòng bốn tháng. Các nhà lãnh đạo hai nước đang làm mọi việc với nhau nhằm hàn gắn lại mối quan hệ, trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ đang leo thang.

Việt Nam phản đối dự án đường băng và sân bay của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi vào ngày 26/10, tàu cá của ngư dân Việt Nam đã đụng độ với các tàu Hải Giám của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Trước đó, trong tháng 7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cho rút giàn khoan HD-981 sau khi gây ra cuộc đụng độ giữa hải quân hai nước trên biển và các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc, gây chết người ở Việt Nam.

Chuyến thăm của Dương Khiết Trì lần này, đặt trong bối cảnh diễn ra cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc – Việt Nam. Trong lúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô New Dehli, bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Cộng hòa Ấn Độ. Chuyến đi của nhà lãnh đạo này củng cố mối quan hệ chiến lược với các cường quốc khác trong khu vực như một sự cân bằng với mối quan hệ Trung Quốc.

“Sau khủng hoảng giàn khoan dầu, hình ảnh của Trung Quốc tại Việt Nam đã bị xói mòn,” Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh tại Trung tâm châu Á – Thái Bình Dương cho biết. Và “Một phần trong chiến lược để đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là lôi kéo được bên thứ ba vào cuộc chơi, nhằm gia tăng tiếng nói.”

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Dương Khiết Trì đã gặp với Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam – Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngay khi đặt chân xuống Hà Nội. Hai bên nhất trí rằng việc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển có “ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương” theo một tuyên bố từ Bộ ngoại giao của Việt Nam. Cả hai bên cũng nhất trí thực hiện nghiêm túc ba văn kiện về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới. Khẩn trương thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích biển Đông (theo một bản đồ năm 1940). Ngày 21/06, ba ngày sau chuyến thăm Hà Nội, Dương Khiết Trì tuyên bố rằng, “Chúng tôi sẽ không bao giờ đổi chác các lợi ích cốt lõi của mình, hoặc ngậm trái đắng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.”

Việt Nam cũng phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng ở các đảo, theo tuyên bố của Phó Phát ngôn viên, Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong ngày 23/10.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Các trở ngại về ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến nước này xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Một mối quan hệ mà Trung Quốc không hề mong muốn, Tường Vũ, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oregon, cho biết.

Vào đầu tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng, nước này có thể mua vũ khí không sát thương từ Mỹ. Tiếp đó, trong một động thái được cho là có liên quan đến thỏa thuận hai nước, Việt Nam đã thả blogger nổi tiếng – Nguyễn Văn Hải, người được biết dưới cái tên Điếu Cày.

Vì thế, chuyến thăm của Dương Khiết Trì sẽ là “một nỗ lực để hàn gắn lại mối quan hệ của cả hai bên”, ông nói. “Trung Quốc bị thúc đẩy bởi một thực tế  rõ ràng rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ đang có chiều hướng cải thiện.
Sự cải thiện đó, một phần xuất phát từ việc Trung Quốc, với sự ảnh hưởng về mặt kinh tế, quân sự tại Việt Nam đã, nhiều lần từ chối nỗ lực đàm phán của đối phương, trong đó bác bỏ yêu cầu rút bỏ giàn khoan HD-981 ra khỏi vị trí mà Việt Nam cho rằng, nó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của mình.

Cán cân thương mại và sự chuẩn bị

Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 84%, từ 27.3 tỷ USD năm 2010, lên 50.2 tỷ USD vào năm 2013, theo số liệu của chính phủ.

“Khi thời tiết trở nên tốt hơn, Trung Quốc sẽ gửi một cái gì đó trở lại khu vực này và họ sẽ tiếp tục cấm tàu thuyền đánh cá Việt Nam”, ông Vũ nói “Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh của mình trong khu vực để chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xung đột xảy ra và Việt Nam sẽ làm điều tương tự – Mua vũ khí từ Mỹ, tàu ngầm từ Nga.”

Nguồn: Bloomberg
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)