Hôm nay, các nước rà soát lại lần cuối nội dung TPP

Các nước TPP đang rà soát lại lần cuối nội dung Hiệp định TPP bằng tiếng Anh. Theo pháp luật Việt Nam, nội dung TPP sau khi dịch sang tiếng Việt phải được Bộ Ngoại giao rà soát lần cuối trước khi công bố, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin.

Rà soát lại lần cuối nội dung TPP

Sáng 18/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán” trong đó nhiều thông tin liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được công bố chi tiết hơn.

Tại hội nghị, ông Lương Hoàng Thái thông tin, nội dung Hiệp định TPP hiện đang được các nước rà soát lần cuối cùng và sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

“Theo pháp luật Việt Nam, nội dung Hiệp định sau khi được dịch phải được Bộ Ngoại giao rà soát lần cuối cùng nên sẽ mất thời gian hơn nhưng về tổng thể qua thông tin công bố TPP cho thấy đây là Hiệp định có nội dung tương đối phức tạp và nội dung cam kết tương đối sâu”, ông Thái nói.



Trước đó, vào ngày 5/11, Bộ Công Thương đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định TPP (bản tiếng Anh) đã được các nước TPP thống nhất.

Bộ Công Thương cho biết, do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.

Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các Bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán TPP đã quyết định công bố toàn văn Hiệp định TPP mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất.

Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên đồng thời là Phó trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết, quan tâm lớn nhất của Việt Nam là mở cửa thị trường hàng hoá như thế nào.

Đánh giá của ông cho rằng, TPP là Hiệp định đầu tiên quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hoá mức cao thậm chí có nước mở 100%.

Phần hàng hoá cũng đặt ra những quy định mới như việc quản lý xuất nhập khẩu và có những nội dung thay đổi. Chẳng hạn, việc nhập khẩu đồ cũ có hạng mục nhỏ là hàng dùng nhiều tên khác nhau nhưng cơ bản là hàng cũ được công ty nhập về gia công như điện thoại iphone chính hãng, máy công nghiệp, máy y tế…. Việt Nam đang cấm nhưng thị trường thế giới phát triển nhanh, giá nhập rẻ hơn nhiều so với máy mới.
Dệt may Việt vào Mỹ đóng thuế lớn hơn tất cả các nước trong TPP

Ông Thái đặc biệt lưu ý, đối với hàng dệt may, mặt hàng hiện đang xuất khẩu với kim ngạch lớn sang thị trường Hoa Kỳ nhưng thuế suất đang được áp dụng rất cao, có dòng thuế trên 30% và trung bình của dệt may là 17%.

“Riêng hàng Việt Nam đưa vào thị trường Hoa Kỳ đã đóng 1,17 tỷ USD/năm thuế nhập khẩu, mặt hàng giày dép hơn 300 triệu USD. Thuế phải đóng đã lớn hơn tiền thuế tất cả các nước của các nước TPP phải đóng khi vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam xuất khẩu ít nhưng đóng nhiều vì thuế áp dụng là lớn nên đàm phán quyết tâm bãi bỏ rào cản và yêu cầu Hoa Kỳ đưa thuế về 0%”, ông Thái thông tin.

Đổi lại, cũng theo ông Thái, việc xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Hoa Kỳ cũng có nhữg “quan ngại” nhất định khi Hoa Kỳ muốn có quy tắc xuất xứ tương đối chặt chẽ, yêu cầu Việt Nam phải làm được hàng dệt may từ sợi trở đi. Việt Nam chỉ hưởng ưu đãi nếu làm được ba công đoạn từ sợi ra vải từ vải cắt ra may thành quần áo.

Vị Phó trưởng đoàn đàm phán TPP nhận định một mặt Việt Nam khó đáp ứng các yêu cầu trong cam kết nhưng mặt khác nếu quy tắc xuất xứ lỏng, lợi ích cho Việt Nam tương đối thấp vì nếu Việt Nam lệ thuộc vào một nước nào khác nhiều trường hợp Việt Nam sẽ không hưởng lợi.

“Thực tế thời gian qua khi đón đầu quy định này nhiều nhà đầu tư nước ngoài đón đầu cơ hội đầu tư tại Việt Nam khi chúng ta có những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản”, ông Thái cho hay.

Theo Bizlive

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)