Phân tích một số lỗ hổng trong lập luận của nhà văn Mai Tú Ân về mẹ Nấm.*

Phân tích một số lỗ hổng trong lập luận của nhà văn Mai Tú Ân về mẹ Nấm.*

Tôn Phi

Ngày 27 tháng 03 năm 2020, nhà văn-nhà báo Mai Tú Ân viết bài có tiêu đề “Thật đáng tiếc cho Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh“. Bài được đăng trên Việt Nam Thời Báo (1) và cả trên Facebok cá nhân của anh Mai Tú Ân.


Chúng tôi phân tích các lỗ hổng trong bài đó dưới đây:

Thứ nhất, Trump có tốt và có xấu, nước Mỹ cũng có tốt và có xấu. Việc mẹ Nấm chửi Trump không ăn thua gì đối với cả nước Mỹ rộng lớn. Nước Mỹ có dòng chính của nước Mỹ, và mẹ Nấm chỉ là một người dân mới nhập cư, cùng chủng loài với tộc Việt chỉ chiếm chưa đầy 2 triệu người trong tổng số gần 300 triệu dân Mỹ. Việc mẹ Nấm chửi Trump chẳng nhằm nhò gì đối với cuộc tranh phiếu chức tổng thống nhiệm kỳ tới của Trump, hay trong cuộc chống dịch Covid-19 của họ.

Tiếp theo, hiện nay có nhiều loại đấu tranh. Có người đấu tranh cho dân chủ. Có người đấu tranh cho nhân quyền. Có người đấu tranh cho chính nghĩa quốc gia. Trong bài viết của mình, nhà văn Mai Tú Ân chưa chỉ rõ ra được mẹ nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đấu tranh cho mặt trận nào, mà có thể bảo chị ấy như là trên đà thất bại hay thành công?

Thế nào là thành công, thế nào là thất bại? Ai đã đưa ra được một tiêu chuẩn để phán xét?

Nếu có tiêu chuẩn để phán xét về thành công thất bại thì xin anh Mai Tú Ân đưa ra và chúng ta cùng thảo luận.

Còn nếu không có, hay chưa có tiêu chuẩn nào như vậy, thì anh Mai Tú Ân dùng thước đo nào để nói bà Tạ Phong Tần là  người duy nhất thành công, là điểm sáng cứu rỗi duy nhất, còn những người khác thì không được thành công như thế?

“Bài học rút ra từ vụ Mẹ Nấm là nếu có thể, thì dẹp quách cái vụ đi Mỹ tỵ nạn đi.” Đây là phép quy nạp không hoàn toàn của Mai Tú Ân. Có những người ra nước ngoài rồi trở về thành công. Ví dụ, vua Nguyễn Ánh ra nước ngoài, rồi trở về diệt nhà Tây Sơn soán ngôi thành công. Tất nhiên, không thể so sánh mẹ Nấm với hoàng tử Nguyễn Ánh, thế thì cũng đừng gắn cho mẹ Nấm như người đấu tranh có thể cứu nước.

Hoàng tử Nguyễn Ánh cũng phải sang Thái Lan tỵ nạn. Do đó lời của nhà văn Mai Tú Ân : “đấu tranh ở trong nước còn chưa ăn ai thì liệu ra nước ngoài có còn không chứ không nói đến hiệu quả” là không triết.

Xét trong lịch sử, Đông Chu Liệt Quốc, toàn các thái tử mất nước phải bỏ nước ra đi một nước thứ ba, sau vài chục năm lại mượn quân để về lấy lại ngôi bị cướp. Sang nước ngoài tỵ nạn đã trở thành chiến lược. Vì vậy đừng chê tất cả những người đi tỵ nạn.  Tất nhiên, các hoàng tử các nước Đông Chu có chính nghĩa quốc gia trong tay, còn mẹ Nấm thì không có chính nghĩa quốc gia (hoặc chưa có).

Trong bài văn ấy, nhà văn Mai Tú Ân (vô tình) dùng kỹ thuật communication để ví Tạ Phong Tần như hàng ngôi sao.  Nhà văn Mai Tú Ân trong lúc viết bài này, trong đó có ý, khi ông dùng từ “có lẽ”, để khen ngợi bà Tạ Phong Tần: “hoạt động không băng nhóm và độc lập đầy bản lãnh nơi xứ người”, là “điểm cứu rỗi duy nhất”.  Sau đây là một ví dụ để cho thấy, lối hoạt động không băng nhóm và độc lập đầy bản lãnh nơi xứ người không phải là con đường hiệu quả duy nhất. Vua Nguyễn Ánh sang Thái Lan có hoàng gia, quần thần đi theo, đông người, có phối hợp trong ngoài bài bản. Lúc đi về có viện quân Thái Lan.  Nếu Nguyễn Ánh đơn độc thì công cuộc của ông không thể thành công. Đông quân hơn tốt chúa.

Tất nhiên, có người sẽ phản biện, tác giả bài phân tích lấy Nguyễn Ánh ra làm ví dụ thì sẽ khập khiễng, vì không một nhà đấu tranh nào được tầm như vua Nguyễn Ánh cả. Nếu không muốn lấy ví dụ của hoàng tử Nguyễn Ánh thì chúng ta có thể lấy ví dụ của những người Cô-oét lập mặt trận ở nước ngoài sau đó về giải phóng quê hương, hay ví dụ về người Pháp lập chính phủ ở Anh để sau đó về lại Paris đánh bật quân Đức, hay nổi tiếng nhất là trường hợp quốc gia Do Thái hành trình trở về xứ Trung Đông tái lập quốc gia.

Các ví dụ trên vẫn còn to tát. Ví dụ này nhỏ hơn và dễ thấy hơn: sinh viên Hồng Kông cũng đi kết bạn với phong trào sinh viên các nước trên thế giới, kể cả các bạn đi tỵ nạn sang Đài Loan thành công thì cũng giao thiệp với người Đài Loan và hoạt động hội đoàn, hay gọi là băng nhóm, rất hiệu quả.

Tác giả không khẳng định phương pháp đấu tranh của mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đúng đắn. Có nhiều thứ, chị Quỳnh đúng, có thứ sai và những cái sai ấy có thể di hại cho đồng bào. Đó sẽ là chủ đề thảo luận trong một dịp khác.

 

Tôn Phi.

Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả theo địa chỉ điện thư: tonphi2021@gmail.com

–––––––––––––––

Chú thích:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-that-dang-tiec-cho-me-nam-nguyen-ngoc-nhu-quynh/


*
Bài viết không thể hiện quan điểm của VNTB

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)