VNTB – Sửa luật Đất đai để trị tham nhũng đất đai?

VNTB – Sửa luật Đất đai để trị tham nhũng đất đai?

Thảo Vy

(VNTB) – “Buông lỏng quản lý đất đai, nhiều cán bộ ở TP.HCM cần bị kiểm điểm”. Đó là nội dung yêu cầu mà Thanh tra TP.HCM vừa đưa ra khi công bố thông tin liên quan đến các vi phạm của Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh, Quận 4 và yêu cầu tổ chức kiểm điểm.

Buông lỏng quản lý đất đai” là một viện dẫn chung chung được đưa ra khi có các sai phạm liên quan đến đất đai; từ vụ các quan chức Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín ở dàn lãnh đạo tại TP.HCM đã xộ khám, cho tới những ‘V.I.P’ còn ‘tại ngoại’ như Tất Thành Cang…, đều có thể sử dụng động từ ‘buông lỏng’ để biện minh, để ‘đổ thừa’, và rồi đến khi ‘chạy thuốc’ bất thành thì từ ‘kiểm điểm/ rút kinh nghiệm’ sẽ chuyển thành hồ sơ vụ án, còn tiếp sau đó có ‘chuyển hóa’ thành ‘củi’ hay không lại là chuyện khác nữa.

Tham nhũng đất đai đến từ đâu?

Câu hỏi đặt ra: nếu như lâu nay có ý kiến cần sửa luật Đất đai để giảm thiểu các vụ khiếu nại/ khiếu kiện của người dân về quyền sử dụng đất, thì tại sao không đặt luôn vấn đề mang tính kiên quyết hơn là phải sửa luật Đất đai để chống tham nhũng về đất đai?

Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, vài năm trở lại đây, trước sức mạnh của cuộc đấu tranh phòng – chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo, nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui với nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố, phải chịu sự trừng trị của pháp luật như vụ án Vũ “nhôm”, Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…

Rồi những vụ xà xẻo, mua bán ‘đất vàng’, ‘đất kim cương’ ở TP. HCM bị phát hiện; vụ khiếu kiện dai dẳng của người dân Thủ Thiêm; vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều tướng lĩnh quân đội, công an khác bị xem xét kỷ luật vì có liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng…

Rồi việc một nửa trong số 8 vụ án trọng điểm vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng – chống tham nhũng đưa vào tầm ngắm, chỉ đạo khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử trong năm nay cho thấy mức độ sai phạm trong lĩnh vực đất đai đã nghiêm trọng đến mức nào!

Có câu hỏi đặt ra cho chuyện biện minh việc ‘buông lỏng quản lý đất đai’, là: người dân – chủ thể sử dụng đất – đã bị đặt ngoài lề các dự án, hầu như không biết gì đến thông tin về quy hoạch, giải phóng đền bù, thu hồi đất đai. Đây chính là ‘kẻ hở’ nằm ngay trong chính luật Đất đai từ cách hiểu, “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”, được ghi tại Điều 4, luật Đất đai.

Luật Đất đai cùng hệ thống các văn bản pháp quy dưới luật đất đai đều không có giới định hợp lý, rõ ràng về quyền sở hữu toàn dân, về quyền quản lý nhà nước và quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân đối với đất đai; chưa minh định rõ các quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giữa các chủ thể sở hữu, quản lý và sử dụng.

Luật Đất đai tuy xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, nhưng lại bỏ qua chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, chưa xác định rõ chủ thể cụ thể đại diện chủ sở hữu ở từng cấp, từng ngành.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng chưa có các điều luật giúp phát huy tốt vai trò của nhân dân, chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai. Từ đó, ở chừng mực nhất định đã biến sở hữu toàn dân về đất đai trở thành sở hữu danh nghĩa, biến quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trở thành sở hữu hình thức và biến sở hữu đất đai trở thành sở hữu thực chất của một số cá nhân trực tiếp nắm quyền quản lý, định đoạt đối với đất đai.

Ai sẽ là đại diện chủ sở hữu?

Tại sao không đặt vấn đề, rằng Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện sở hữu toàn dân và Chính phủ là cơ quan quản lý việc sử dụng đất?.

Theo đó, Quốc hội ban hành pháp luật về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước; quyết định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định khung giá đất và việc sử dụng nguồn tài chính thu được từ đất; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; Quốc hội cũng phải có nghĩa vụ bảo đảm đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị và sử dụng có hiệu quả quỹ đất quốc gia.

Dĩ nhiên Quốc hội ở đây trước tiên phải là một Quốc hội với lá phiếu dân chủ thật sự.

Lâu nay, người ta vẫn thường nhân danh “quy định của pháp luật về đất đai nhà ở”… để ưu ái cho một số người. Đó chính là những kẽ hở của pháp luật, khiến đất đai – thứ tài sản đặc biệt của quốc gia – bị lợi dụng để chiếm đoạt thành của riêng, chia chác, làm quà cáp trong các vụ chạy chức, chạy quyền và nhiều hành vi tiêu cực khác.

Theo nhiều nhà quan sát thì chính quan niệm sở hữu đất đai toàn dân này, tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng, các công ty lớn, nhân danh sự phát triển, nhân danh nhà nước, lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi phân lô bán nền nhà cho phát triển đô thị hay phát triển công nghiệp với giá rất cao. Việc này gây ra những đoàn nông dân mất đất khắp nước phải chầu chực thưa kiện tại Hà Nội, cũng như những xung đột đôi khi dẫn đến đổ máu.

Không chỉ vậy, nếu lại tiếp tục biện minh ngày càng nhiều hơn về chuyện “buông lỏng quản lý đất đai”, thì sẽ đến lúc có ý kiến yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc tổ chức đảng buông lỏng lãnh đạo, quản lý được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Quyết định 263/QĐ-TW năm 2014 xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.

Những quan chức, viên chức bị cáo buộc “buông lỏng quản lý” đều là đảng viên. Theo Quyết định 263/QĐ-TW năm 2014, tổ chức đảng buông lỏng lãnh đạo, quản lý là việc tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoặc đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; không phân công trách nhiệm cụ thể, không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.

Tổ chức đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật gồm: chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; ủy ban kiểm tra các cấp; các ban cán sự đảng, đảng đoàn.

Rõ ràng là càng chậm sửa đổi luật Đất đai thì sớm muộn gì đảng cầm quyền cũng sẽ đối mặt cảnh ‘cháy thành, vạ lây’.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)