Trung Quốc khủng bố đầu tư nước ngoài theo kiểu xã hội đen

“Người Trung Quốc đang làm gì vậy”, CEO của một tập đoàn công nghệ Mỹ đã phải thốt lên như vậy sau khi chứng kiến sự kiện mà ông này coi là biểu tượng của một sự khủng bố đầu tư của chính phủ Trung Quốc đối với các tập đoàn nước ngoài.

Qualcomm, nhà sản xuất Chip hàng đầu thế giới buộc phải nộp phạt khoản tiền lên tới gần 1 tỷ USD cho những cáo buộc về sự vi phạm luật chống độc quyền. Làn sóng pháp lý này cũng đang được triển khai xung quanh hàng loạt các tập đoàn nước ngoài khác đang kinh doanh ở Trung Quốc. Một hình thức làm tiền mới của Bắc Kinh, hay Trung Quốc đang thực sự không cần đến những nhà đầu tư nước ngoài?

Những gì diễn ra đối với Qualcomm thực sự là một cú sốc với không chỉ các chuyên gia và giới phân tích trên thế giới, mà còn là một sự kinh ngạc với chính các học giả Trung Quốc. Không ai có thể nghĩ một vụ việc như vậy lại diễn ra ở thời điểm hiện tại, khi mà dòng vốn đầu tư quốc tế đang được rút ồ ạt ra khỏi Trung Quốc và đang gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế nước này, thậm chí thủ tướng Lý Khắc Cường đã phải lên tiếng trấn an các nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos bằng một sự hứa hẹn sẽ mở rộng môi trường đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại. Vậy thì, điều gì vừa mới diễn ra?

Giới phân tích mô tả việc cáo buộc Qualcomm vi phạm luật chống độc quyền không khác gì một cái tát của Bắc Kinh vào các nhà đầu tư quốc tế, nó đang làm dấy lên sự lo ngại và hoang mang của rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài khác đang đầu tư ở Trung Quốc. Vấn đề chủ yếu ở đây không phải là việc Qualcomm có vi phạm luật chống độc quyền hay không, mà sự mạnh tay của Ủy ban phát triển và cải cách NDRC trong khoảng thời gian nhạy cảm với hoạt động đầu tư này đang tạo nên một ấn tượng xấu.

Rất nhiều các tập đoàn lớn khác đang đầu tư tại Trung Quốc cho biết họ cũng đang bắt đầu bị giới chức Trung Quốc điều tra, trong đó có cả những ông lớn như Microsoft, Chrysler, Johnson & Johnson, Samsung, Wolkswagen. Và thậm chí đã có những lời đề nghị các khoản tiền phạt lên tới hàng chục triệu USD nếu các tập đoàn này muốn thoát khỏi những rắc rối pháp lý này một cách nhanh gọn nhất.

Tất cả những vụ việc tống tiền theo kiểu xã hội đen như thế này đang khiến hình ảnh môi trường đầu tư của Trung Quốc đang trở nên xấu hơn bao giờ hết. Bắc Kinh đang phủ sạch trơn những hứa hẹn của thủ tướng Lý Khắc Cường tại Davos bằng cách xiết chặt các tập đoàn nước ngoài và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bản địa một cách trắng trợn.

Không chỉ phải nộp phạt khoản tiền 975 triệu USD vì cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, Qualcomm còn phải cam kết sửa đổi một số điều khoản kinh doanh như giảm phí bản quyền đối với các thiết bị 3G và 4G do tập đoàn này sản xuất, điều này sẽ rất có lợi cho các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Lenovo hay Huawei. Trung Quốc đang là nhà sản xuất điện thoại di động và các thiết bị không dây lớn nhất thế giới, nhưng Bắc Kinh luôn đau đầu với khoản chi phí cao cho bản quyền sáng chế công nghệ của các tập đoàn nước ngoài, mà Qualcomm là đại diện tiêu biểu nhất.

Các chuyên gia đánh giá, điều này sẽ gây tổn hại lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ lớn liên quan đến kinh tế, đó là làn sóng giảm phát đang lan tràn trên toàn cầu và đang đe dọa chính kinh tế Trung Quốc, cuộc khủng hoảng đồng Euro và đồng Yen suy yếu.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 1.2015 đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, năng lực sản xuất của các nhà máy Trung Quốc và chỉ số xuất khấu cũng giảm nghiêm trọng. Nói cách khác, đây là thời điểm Trung Quốc cần một dòng đầu tư trực tiếp nước ổn định hơn bao giờ hết để có thể tăng trưởng ổn định ít nhất là trong vòng 2 năm tới, các hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này.

Thế nhưng, hành xử của Bắc Kinh lại không khác nào một sự xua đuổi các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư ở Trung Quốc. Điều này nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi dòng thoái vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc vẫn đang ngày càng tăng, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển sang các khu vực lân cận có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Trong năm 2013, tổng lượng đầu tư nước ngoài FDI của năm nền kinh tế Đông Nam Á là Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippins đã vượt qua Trung Quốc khi đạt mức 128 tỷ USD trong khi Trung Quốc chỉ đạt 117 tỷ USD. Xu thế này sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong khoảng thời gian sắp tới, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và tổng cầu của thị trường này đạt đến mức bão hòa.

Tất nhiên, sẽ khó có chuyện những tập đoàn lớn như Qualcomm sẽ rời bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc, khi doanh thu năm 2014 của Qualcomm tại Trung Quốc đạt đến 13 tỷ USD. Nhưng rõ ràng sự thiếu minh bạch và công bằng từ các nhà chức trách sẽ thúc đẩy các tập đoàn lớn như Qualcomm hay Microsoft chuyển dần các hoạt động sản xuất của mình sang các khu vực khác, tiếp tục đầu tư hoạt động sản xuất tại Trung Quốc là một sự mạo hiểm khi mức độ rủi ro từ các biến động chính trị tại nước này ngày càng lớn.

Nếu như Bắc Kinh cần đưa ra một lời hứa hẹn về cải thiện môi trường đầu tư sau khi Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, thì có vẻ như nó đã đưa ra một lời hứa hẹn tồi tệ nhất – một sự dối trá.

(Theo Nhàn Đàm – Một Thế giới)
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)