Tuần báo Văn nghệ “phê bình”Công giáo Vinh và văn nghệ sĩ “phi cách mạng” *

Tình cờ đọc bài viết của hai chức sắc Công giáo Việt Nam

1. Bài viết ngày 9-7-1976 của cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Nam kiêm Tổng Giám mục giáo khu Sài Gòn. Ngài viết:
“… Chúng tôi vui mừng và tự hào là những người dân một nước độc lập, thống nhất. Chúng tôi vui mừng, tự hào được sống trong lòng tin của mình giữa một dân tộc cây một gốc con một nhà đang làm chủ vận mệnh của mình, không còn chia cắt, không còn lệ thuộc…”
Và Ngài viết tiếp:
“… Với tư cách là Tổng Giám mục giáo phận và Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Nam chúng tôi nguyện động viên tối đa đồng bào Công giáo chúng tôi dấn thân hết sức mình vào công cuộc xây dựng của đất nước chúng ta, nghĩa là vừa nối hai cánh tay lao động của họ với trái tim khối óc, lòng tin của họ, một khi họ hiểu rằng không có một mâu thuẫn nào hết giữa sự dấn thân xây dựng ấy và lòng tin sống chết của họ…”.
Lời tâm huyết của cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Nam kiêm Tổng Giám mục giáo khu Sài Gòn đến nay vẫn còn nguyên giá trị tính thời sự mà tôi đã trân trọng trích dẫn nêu trên.
Thế mà gần đây có một vài Linh mục giáo phận Vinh đã lợi dụng “chiếc áo nhà tu” đi ngược lại trật tự của xã hội và giáo hội, công bằng mà xét về tuổi đời, học vị, và vị trí chức Thánh trong Giáo hội Công giáo Việt Nam với Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thì một vài Linh mục “quậy phá” ở Giáo phận Vinh chỉ là bóng mờ dưới ánh hào quang của cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình.
Noi gương sáng của cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Nam kiêm Tổng Giám mục giáo khu Sài Gòn, đại đa số người Công giáo vẫn tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, gắn bó Giáo hội với dân tộc và sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào như Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đã mời gọi.
2. Tình cờ tôi cũng được đọc bài viết của cố Linh mục Vũ Khởi Phụng thuộc Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, Ngài từng là Phó Giám tỉnh bề trên Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, Giám đốc Học viện Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, Trưởng ban Linh đạo tông đồ, Trưởng ban Đào tạo Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, giáo sư các học viện Thần học, Tổng biên tập báo Đức Mẹ hằng cứu giúp. Bài viết của cố Linh mục Vũ Khởi Phụng có tên “Tố Hữu và Ngày Mai”, in trong tập Giọt nắng giọt mưa, chính Ngài là tác giả tập sách này và tập sách đã được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007. Tôi trân trọng trích bài viết “Tố Hữu và Ngày Mai” để chia sẻ cùng bạn đọc:
“Nhà thơ Tố Hữu đã qua đời. Suốt đời ông làm thơ và trung kiên làm cách mạng. Lấy cách mạng cảm hứng cho thơ. Các học sinh Việt Nam đều học:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chiếu qua tim.
Những người chống cách mạng thì thích MOI (cố Linh mục Vũ Khởi Phụng dùng từ MOI rất hay, theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Trung tâm từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 1997 đã định nghĩa: MOI móc nói ra trực tiếp hoặc gián tiếp điều riêng tư nhỏ nhặt của người khác với dụng ý xấu) của ông những câu thơ như: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng…”. Riêng tôi thích bài thơ “Trên dòng Hương Giang” viết cho một kỹ nữ sống kiếp đọa đày trên dòng sông xứ Huế:
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không?
Rằng không? 
Cô gái trên sông
Ngày mai sẽ có từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa Lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai trong giá trắng ngần
Có thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay…
Bài thơ ấy để lại ấn tượng với tôi là vì những mảnh đời như cô gái trên sông kia, dù là sông Hương hay những dòng đời mọi nẻo, vẫn còn nhan nhản đó:
Em đi như chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô.
Tôi quen biết một Nữ tu ở Sài Gòn, sơ H. vẫn liều lĩnh chạy theo những con người bất hạnh ấy. Có lần báo chí đăng hình ảnh một quán cà phê, nơi những nhóm “Bạn giúp bạn” tụ tập chị em ta để dạy sử dụng bao cao su, điều ngạc nhiên là thấy khuôn mặt ma-sơ hiện rõ giữa khung cảnh bát nháo ấy. Thì ra đang đi tìm chiên lạc. Có những lần công an bố ráp những cô gái đứng đường, công an đủ kinh nghiệm để biết ai làm việc gì, chỉ nói với sơ một câu: Thôi chị dời đi nơi khác để chúng tôi làm việc. Công việc thật vô cùng khó khăn nhưng lâu lâu vẫn có thành công. Mỗi khi có ai đó “thôi sống kiếp đày thân giang hồ”…, sơ H. và nhiều người khác cùng một chí hướng như sơ đều bị những “thuyền em rách nát” và đều mơ một “ngày mai bao lớp đời dơ – Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”.
Có thể nói những giấc mơ đó là một chủ đề của Mùa Vọng trong Thánh lễ hàng ngày…”.
Cố Linh mục Vũ Khởi Phụng phát triển từ bài thơ trên của nhà thơ Tố Hữu để “đem đạo vào đời” và tấm lòng của cố Linh mục Vũ Khởi Phụng đã thật sự đồng cảm với bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, hai tâm hồn lớn gặp nhau tại một giao điểm phục vụ con người, mà con người cụ thể đó là người Việt Nam, chung một giống nòi, cùng nhau sống chết với non sông, Tổ quốc và cùng hy vọng NGÀY MAI đất nước sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Thế mà gần đây trò hề què quặt, lạc lõng của một số ít người đấm ngực xưng danh trí thức, văn nghệ sĩ phủ nhận nền văn học cách mạng, thật buồn cười vì đó là kẻ đi ngược lại dòng lịch sử, tự phản bội chính mình và dân tộc mình.
3. Ngẫm nghĩ sự đời ta công bằng, bình tĩnh phân tích rạch ròi:
Không phải người Cộng sản nào cũng thoái hóa, biến chất.
Không phải người Công giáo nào cũng chống Nhà nước.
Tuyệt đại đa số cùng nhau đoàn kết, sống chung trong cộng đồng dân tộc, ý thức tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân nhằm phấn đấu đi đến mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm cho nước nhà phồn vinh để lại giang sơn gấm vóc này cho con cháu muôn đời sau.

* VNTB đặt lại tiêu đề
* Tiêu đề gốc: Tình cờ đọc bài viết của hai chức sắc Công giáo Việt Nam
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    "Rằng không?
    Cô gái trên sông"
    >>
    chÉP SAI, nên sửa là "RĂNG KHÔNG cô gái trên sông…(răng = sao ?) là câu hỏi khẳng định.