VNTB – Ai có quyền ‘thay đổi ghế’ của đại biểu Quốc hội chuyên trách?

VNTB – Ai có quyền ‘thay đổi ghế’ của đại biểu Quốc hội chuyên trách?

 

Nguyễn Nam

(VNTB) – Ở Việt Nam, thì quyền đó còn thuộc về bộ chính trị và ông thủ tướng. Sở dĩ dùng từ ‘còn thuộc’, vì nếu căn cứ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, thì đúng ra quyền ‘thay đổi ghế’ này là quyền quyết định của chủ tịch Quốc hội.

Ông Nguyễn Đức Kiên, người vừa được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘điều động, bổ nhiệm’ vào vị trí “Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ” hôm 12/12/2019 và “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký”, vốn đang ‘ngồi ghế’ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giữ chức vụ phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Khác với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách là đại biểu thường xuyên làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, và công việc chính được thực hiện thường xuyên trong phạm vi, lãnh vực được phân công tại các cơ quan của Quốc hội, Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổ tư vấn kinh tế hiện nay được thành lập bởi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 28/7/2017. Trong văn bản số 1120/QĐ-TTg về việc về việc thành lập tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, có viện dẫn căn cứ Luật tổ chức Chính phủ, và trong Luật tổ chức Chính phủ thì không có điều khoản nào trao cho ông, bà thủ tướng quyền hạn ‘dời đổi ghế’ của đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Đức Kiên là một đại biểu Quốc hội chuyên trách, theo luật thì đại biểu Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ đại biểu của nhân dân và công việc Quốc hội giao. Luật tổ chức Quốc hội, điều 8.4 cho biết “Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước”.

Điều 10 của Luật tổ chức Quốc hội quy định, “1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức. 2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất”.

Như vậy, nếu chăm chăm xem xét vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì việc ‘điều động, bổ nhiệm’ vào vị trí “Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ” hôm 12/12/2019, và “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký” đối với ông Nguyễn Đức Kiên là không tuân thủ quy định pháp luật.

Nói thêm Quyết định số 1120/QĐ-TTg về việc thành lập tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ở điều 3 “Nhiệm vụ của Tổ Tư vấn kinh tế” ghi “1. Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm”.

Diễn nôm theo ngôn ngữ dân dã về điều 3.1 nói trên, Tổ tư vấn kinh tế này là một nhóm ‘thầy dùi’, mà kể từ hôm 12/12/2019 người đứng đầu nhóm ‘thầy dùi’ ấy là ông Nguyễn Đức Kiên.

Những người Việt từng mê tuồng tích Tàu sẽ liên tưởng chuyện ‘quân sư quạt mo’ Nguyễn Đức Kiên với điển tích ‘tam cố thảo lư’ (ba lần tới lều tranh) của Lưu Bị mời Gia Cát Lượng Khổng Minh về làm quân sư. Sở dĩ gọi ‘thầy dùi’ Nguyễn Đức Kiên là ‘quân sư quạt mo’, vì ông này không được sự trân trọng ‘thỉnh’ mời, mà là ‘điều động, bổ nhiệm’. Có thể chữ nghĩa vô tình, nhưng đúng là quá ‘nhẹ thể’ cho vị trí người đứng đầu nhóm ‘thầy dùi’ của ngài thủ tướng.

Ngày nay, giai thoại ‘tam cố thảo lư’ thời Tam quốc bên xứ Tàu vẫn thường được người đời nhắc tới như minh chứng về sự thành tâm thành ý đối với hiền tài của người lãnh đạo có tầm nhìn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)