VNTB – Án tù trá hình?

VNTB – Án tù trá hình?

Vân Khanh

 

(VNTB) – Liệu nhà văn Phạm Thành sẽ bị “chữa bệnh bắt buộc” ở nhà thương điên tương tự như nhà báo Lê Anh Hùng?

 

Cả hai người đều là những tù nhân chính trị, khi chính quyền xem họ là những người có hành vi chống phá Đảng qua hình thức viết lách.

Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật hình sự. Theo đó căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Sau năm 1975, rất nhiều viên chức, quan chức, quân nhân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị bắt buộc “học tập cải tạo” – một hình thức gần với án tù mà thời gian thi hành án không liên quan đến tòa án, mà tùy thuộc vào cơ quan hành chính ở nơi “học tập cải tạo”.

Vì sao có thể xem đối với những tù nhân chính trị, thì trong một số trường hợp, chuyện “bắt buộc chữa bệnh” là một án tù trá hình, với mục đích chính là ‘hù dọa’ bất kỳ ai dám “chống chế độ”?

Tại Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định:

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh được quy định tại Điều 21 BLHS. Cụ thể là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Đây là trường hợp mà một người trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì bản thân họ đã bị các bệnh nêu trên, do đó, cần xác định rằng, nếu họ không bị bệnh thì chắc chắn hành vi này đã không xảy ra trên thực tế vì khi đó họ có đầy đủ nhận thức để điều khiển hành vi của mình như thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội và quy định của pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 8 BLHS đã quy định rất rõ: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện…”.

Vì mắc các bệnh được quy định tại Điều 21 Bộ luật này mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, hay nói cách khác họ hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm hình sự, do vậy mà các đối tượng này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi mà họ thực hiện không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Và trong trường hợp này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ trên kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định đưa những người này điều trị bắt buộc tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.

Trường hợp 2: Người phạm tội mắc bệnh khi đang trong giai đoạn “sau khi thực hiện hành vi phạm tội đến trước khi bị kết án”.

Mặc dù cũng mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi, nhưng những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh do mình thực hiện.

Vì họ đang trong tình trạng không còn khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nên không thể tiếp tục buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự, khi đó trách nhiệm này sẽ bị gián đoạn cho đến khi người phạm tội khỏi bệnh.

Tương tự trường hợp 1, Tòa án sẽ căn cứ theo kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định buộc người phạm tội phải chữa trị tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.

Trường hợp 3: Đang chấp hành hình phạt tù.

Đây là trường hợp mà người phạm tội bị mắc bệnh trong khi đang chấp hành hình phạt tù, việc mắc bệnh này dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

Vì vậy khi có quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì thời hạn chấp hành hình phạt tù tạm thời ngưng cho đến khi người phạm tội được điều trị khỏi bệnh. Trừ trường hợp có lý do được miễn chấp hành hình phạt, nếu không người phạm tội vẫn phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong thời hạn còn lại.

Đối với trường hợp này, pháp luật quy định thời hạn bắt buộc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt. Điều này có nghĩa thời hạn chữa bệnh bao lâu thì được trừ vào thời hạn hình phạt tù còn lại, nếu khi khỏi bệnh mà thời gian điều trị bằng hoặc dài hơn phần thời hạn còn lại thì người phạm tội không phải tiếp tục chấp hành hình phạt nữa.

Cần lưu ý, ngoại trừ trường hợp 1, thì trường hợp 2, 3 khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nêu trên, đều phải bảo đảm vấn đề người phạm tội chỉ khi nào điều trị khỏi bệnh thì mới tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc chấp hành hình phạt tù còn lại.

Việc xác định người phạm tội đã khỏi bệnh hay chưa phải căn cứ kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần của hội đồng giám định có thẩm quyền. Nếu người phạm tội chỉ mới dừng ở mức thuyên giảm, chưa khỏi bệnh thì không đủ cơ sở để tiếp tục truy cứu hoặc áp dụng hình phạt.

Một nhà báo ở Sài Gòn nhận xét, “sống với người điên thì làm sao có thể tỉnh?”. Ông kể lần ấy làm đề tài về thế giới người điên: “…Thấy tôi trong bộ đồng phục mới cáu kỉnh, anh Huy, bệnh nhân ở khu T2 an ủi: “Mới vào hả. Bệnh có nặng không? Thôi gắng chữa cho hết bệnh rồi các cô thầy cho về sớm nhé”.

Nói rồi anh dẫn tôi đi chào hỏi và giới thiệu với các y, bác sĩ trong bệnh viện mà anh gọi bằng cô, thầy. Anh nhớ mặt nhớ tên và chào hỏi từng người rất lễ phép.

Anh kể: Năm nay anh 41 tuổi, vợ anh làm công nhân ở ngoài nuôi con gái của hai người đang học cấp hai. Gia đình vừa đón anh về ăn tết rồi đưa trở vào nên anh phải đi chào hỏi từng người cho phải phép.

Tôi hỏi: “Vậy chừng nào anh về hẳn”? “Sớm thôi chú ơi, ở đây với mấy ông khùng riết mệt lắm!” – Anh nói tỉnh queo rồi gãi đầu cười khề. Rồi như chợt tỉnh lại sau một phút mê sảng, anh nói buồn buồn: “Mình quyết cố gắng trị hết bệnh về nhà sớm để lo cho vợ con”…

Ờ, thì một mai qua cơn mê…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)