VNTB – Áp dụng cái mới vào giáo dục: còn là cái tầm của lãnh đạo

VNTB – Áp dụng cái mới vào giáo dục: còn là cái tầm của lãnh đạo

Diệp Chi

(VNTB) – Có ngờ vực Bộ trưởng Nhạ đã ngoéo tay Bộ trưởng Hùng trong vụ cho học trò tha hồ xài ‘xì-mắc-phôn’ trong lớp học.

 

Trước khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, thì ông Nguyễn Mạnh Hùng là ông chủ của Tập đoàn Viettel. Trên cương vị Bộ trưởng, ông Hùng tuyên bố sẽ ‘xì-mắc-phôn’ hóa đến mọi người dân, xóa sổ sóng 2G và Viettel sẽ cung cấp đủ số máy ‘xì-mắc-phôn’ với giá mà ai cũng dễ dàng sở hữu.

Đó là chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng, một tướng quân đội chuyển ngạch dân sự.

Giờ là chuyện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Có thể nói, giáo dục là một trong những việc làm quan trọng của đất nước. Nếu một học sinh được học trong một nền giáo dục tốt, nhân bản, sẽ có thể “thành nhân” lẫn “thành công”, đất nước cũng sẽ có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu khác. Chính vì thế, việc thay đổi một chính sách giáo dục hoặc áp dụng một cái gì đó mới vào quy trình giảng dạy là điều được quan tâm, chú ý. Nó còn thể hiện được cái tầm nhìn của Bộ trưởng bộ giáo dục.

Bởi, trước khi áp dụng một điều gì, nên soi xét kỹ điểm lợi, điểm hại có khả năng xảy ra. Nếu có lợi, giúp ích, thì thật vinh hạnh khi đứng ra nhận “mưa lời khen”. Nhưng lỡ chẳng may rủi ro xảy đến, liệu khi đó có ai chấp nhận đứng ra nhận trách nhiệm?

Thế giới ngày càng phát triển, được tiếp cận thông tin nhiều hơn là nhu cầu của nhiều người. Việc tự tìm hiểu thông tin và hoài nghi một vấn đề càng giúp cho học sinh rèn thêm được tính tự giác, nhìn vấn đề theo hướng đa chiều, không còn là những con cừu non chỉ sao nghe vậy.

Cho nên, việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh (tức ‘xì-mắc-phôn’, smartphone), nhất là trong giáo dục, vừa có thể giúp các em tìm hiểu được kiến thức mới, vừa giúp các em kiểm tra xem những cái mình nghi vấn sau các bài học là đúng hay sai. Cho nên, về cơ bản, những cái hiện hữu là điều có lợi.

Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, sẽ được bao nhiêu em có khả năng kiểm chứng thông tin một cách đầy đủ và chính xác.

Đồng ý là thế hệ trẻ bây giờ, tiếp cận công nghệ khá nhanh, nhưng thế giới mạng là cả một không gian rộng lớn, đâu là đúng đâu là sai? Liệu với độ tuổi các em có chắc chắn sẽ kiểm chứng được tất cả những điều đó?

Sẽ có ý kiến cho rằng, khi đó, thầy/ cô giáo là người chỉ dẫn. Điều đó không sai, nhưng thầy/ cô cũng có người này người kia, cái nhìn mỗi người mỗi khác; trình độ kiến thức về Internet mỗi người mỗi khác nhau; đó là chưa kể với những thầy/ cô đã có tuổi, việc tiếp cận thông tin trên mạng, kiểm chứng thông tin đó đúng, sai cũng có đôi phần hạn chế.

Thử vẽ một bức tranh, trong khi thầy/cô đứng giảng bài trên bục, học sinh ngồi phía dưới bấm điện thoại (có thể không chat, lướt facebook mà đúng là kiểm chứng thông tin) thì cái lớp học đó sẽ như thế nào? Học sinh khi đó liệu có toàn tâm toàn ý lắng nghe? Tại sao không để mọi thứ như trước, sau đó, học sinh hoài nghi điểu gì, có thể về nhà, kiểm chứng lại?

Có ý kiến trên một tờ báo điện tử cho rằng: “Có thể nói kiến thức trên hệ thống mạng chính là nguồn tài nguyên vô tận, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật – công nghệ mà nhân loại mới có được. Chúng ta không nên và không thể cấm đoán HS khai thác nguồn tài nguyên này…”.

Thoạt nghe là rất đúng, ủng hộ, đó không chỉ là việc tìm kiếm thông tin mà còn là tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, xét thẳng vào vấn đề, nó chẳng liên quan gì đến việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Bởi việc tìm kiếm thông tin, khai thác nguồn tài nguyên thông tin trên mạng, thứ nhất ở Việt Nam là không có sự cấm đoán; thứ hai, không nhất thiết cần phải kiểm chứng, tra cứu thông tin ngay trên lớp học và trong giờ học. Các em có một quãng thời gian rất nhiều ở nhà để làm việc đó, thì chẳng cần chi 45 – 90 phút làm việc đó trên lớp.

“Mình nhớ thời mình đi học, trường không cho học sinh đem điện thoại vào lớp. Nhưng thực tế là học sinh vẫn đem, chỉ sử dụng vào giờ ra chơi, cũng chẳng giám thị nào bắt hay tịch thu. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học giống như vẽ đường cho hươu chạy. Làm sao giáo viên có thể biết hết mấy em đang bấm điện thoại làm gì? Với lại giáo viên cũng chẳng có thời gian để kiểm tra việc đó.

Có người vin vào ngày trước học sinh cũng xài điện thoại, bị giáo viên tịch thu cuối giờ trả lại, lớp vẫn học bình thường, có sao đâu. Mình nghĩ thấy lạ, ủa, giáo viên đã tịch thu rồi, thì còn dụng cụ nào hỗ trợ học sinh nhắn tin, chat hay lên facebook để chơi đâu mà không học được?

Đã ‘tịch thu’ điện thoại, nếu không nói chuyện hay quậy, thì học sinh chỉ còn cách chú tâm nghe giảng thôi”, anh Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM chia sẻ.

Tựu trung lại, việc sử dụng điện thoại trong học tập chưa hẳn hoàn toàn là việc không nên. Nhưng sử dụng như thế nào là phù hợp và làm sao để học sinh trường này không phân bì với học sinh trường kia về vấn đề sử dụng điện thoại… xem ra Bộ phải tính cho kỹ trước khi ban hành một cái gì đó…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)