VNTB – Báo chí ở Việt Nam đang ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ ra sao?

VNTB – Báo chí ở Việt Nam đang ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ ra sao?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Các tựa bài viết trong tuần lễ cuối cùng của năm 2019 trên một số tờ báo ở Việt Nam, đang đưa người đọc tới cảm giác dường như đang có vấn đề gì đó sắp sửa diễn ra theo kiểu cuộc cách mạng trong thể chế ngay ở Bộ Chính trị.

“Thường trực Ban Bí thư: ‘Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi’” – báo Thanh Niên https://thanhnien.vn/thoi-su/thuong-truc-ban-bi-thu-ta-khong-lam-tot-thi-tu-ta-lat-do-thoi-1163483.html.

“’Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch chống phá’” – báo Thanh Niên https://thanhnien.vn/thoi-su/nhieu-thong-tin-do-noi-bo-chung-ta-dua-ra-de-the-luc-thu-dich-chong-pha-1162701.html.

“Không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” – báo điện tử Zing.vn https://news.zing.vn/loai-khoi-cap-uy-khoa-moi-can-bo-co-vo-con-vi-pham-post1029049.html.

Cụm từ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ được hiểu là tiền đề của phạm tội?

Theo nghĩa thông thường thì ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ được sử dụng trong văn kiện của đảng cộng sản Việt Nam, và trên sách báo chính trị – xã hôi ở Việt Nam không theo nghĩa như vậy.

‘Tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ có nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên theo những quy định của đảng. Nôm na, ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. Theo cách nói của Tuyên giáo đảng, thì ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

Tuy nhiên mới đây theo các phát biểu của ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân về chuyện cán bộ, dường như đó là ‘người đứng đầu’ của thể chế.

Bài viết trên báo Thanh Niên tường thuật về chia sẻ của ông Trần Quốc Vượng  chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020: “Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà “cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu”, ông Vượng nói.

Ông Vượng cho hay, khi sang châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. “Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy”, ông nói”. (nguồn đã dẫn)

Có một thực tế là giả dụ “Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy”, song quan sát trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, qua những khiếu nại, khiếu kiện của dân chúng về đất đai… cho thấy mặc dù thể chế chính trị lâu nay ở Việt Nam vẫn tồn tại, nhưng lòng dân oán thán và với họ sẽ là cả chuổi ngày hội kéo dài hơn cả Liên Xô hồi nào, nếu thể chế chính trị thay đổi.

Ngày 31 tháng 12 năm 1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chính thức chấm dứt tồn tại với tư cách một thực thể pháp lý quốc tế. Sự sụp đổ của nhà nước có vẻ ngoài hùng mạnh kéo dài hơn nửa thế kỷ này không hề được dự đoán trước, và tin tức về nó khiến người Liên Xô, các nhà lãnh đạo và giới quan sát quốc tế phải bất ngờ.

Trước đó, Liên Xô có hàng loạt những vấn đề hệ thống vô cùng nghiêm trọng. Từ thói tham nhũng và thân hữu, giới lãnh đạo bảo thủ thiên cực (ultra-conservative), cho đến giai đoạn kinh tế phát triển chững lại và hơn 20% ngân sách quốc gia phải chi cho hoạt động quân sự để gìn giữ “chế độ xã hội chủ nghĩa” ở nước ngoài, có nhiều lý do để tin rằng Liên Xô đã đi đến chỗ buộc phải cải cách nếu muốn sống còn.

Với ba cái chết liên tục của các đời tổng bí thư Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko chỉ trong ba năm, phương thức tuyển chọn lãnh đạo của các chính thể chuyên chế như Liên Xô không còn nhiều sự lựa chọn – và Mikhail Gorbachev trở thành người kế nhiệm của “đế chế” Liên Xô khổng lồ.

Nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đang trong tình trạng khủng hoảng, và một nhân vật có tư tưởng cấp tiến như Gorbachev cuối cùng có cơ hội trỗi dậy. Không ít ý kiến cho rằng Mikhail Gorbachev chính là kẻ tội đồ làm cho liên bang này sụp đổ.

Trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có loạt bài viết quy kết việc Liên Xô sụp đổ là do “đường lối cải tổ sai lầm và sự phản bội của Gorbachev” – http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/vi-sao-lien-xo-sup-do-i-duong-loi-cai-to-sai-lam-va-su-phan-boi-cua-gorbachev-3382.

Việt Nam đang ‘thù trong’ nhiều hơn giặc ngoài?

Trong bài báo “Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch chống phá”, tờ Thanh Niên đã thuật lời của phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020: “Về lực lượng thế lực thù địch, phản động, ông Nghĩa chỉ rõ, ngoài lực lượng hoạt động thù địch của chế độ cũ thì hiện nay đã có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật, xử lý về pháp luật, thậm chí có những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, rồi thanh niên, sinh viên và tầng lớp khác, do đó, công tác đấu tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực và rất phức tạp”. (nguồn đã dẫn)

Câu hỏi đặt ra ở đây ai là “những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang” mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa muốn ám chỉ với hàm ý đe dọa thanh trừng? Đó có phải là những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đang hầu tòa? Hay đó là Đinh La Thăng, là trung tướng Bùi Văn Thành, trung tướng Phan Văn Vĩnh, là thượng tướng Trần Việt Tân đang thi hành án? Hay đó là những quan chức vẫn còn ‘tại ngoại’ như cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng?…

Chỉ riêng trong ngành công an – nơi được mệnh danh ‘là thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân’ như lời phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 24/12/2019 tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75, cho thấy chỉ mới xét riêng về lĩnh vực tham nhũng trong đất đai gần đây, đã có hàng loạt vị tướng nhúng chàm: Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (C44); Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) và Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C46)…

Với tình cảnh dường chừng ‘thù trong’ đông hơn ‘giặc ngoài’, theo vị Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. “Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Phát biểu hùng hồn đó của ông Vượng ở dịp năm hết tết đến khiến nhiều gia đình của các tù nhân lương tâm chạnh lòng, khi nhớ lại người thân của mình đang phải chịu cảnh lao tù vì cáo buộc ‘lật đổ’ cơ đồ 75 năm đó… mà những đồng chí của ông Vượng đã tuyên.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)