VNTB – Báo chí Việt Nam đang công khai chỉ trích Trung Quốc

VNTB – Báo chí Việt Nam đang công khai chỉ trích Trung Quốc

 

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Trước khi xảy ra đại dịch cúm Tàu, có thể thấy trên báo chí của nhà nước Việt Nam, rất ít bài báo lên tiếng công kích Trung Quốc. Giờ thì mọi chuyện đã khác, và điều này đặt ra nghi vấn, phải chăng nhiệm kỳ mới của đảng chính trị ở Việt Nam sẽ không còn chịu lệ thuộc vào Bắc Kinh?

 

Tàu cá Việt Nam bị đâm ở Hoàng Sa, chính phủ Trung Quốc không thể vô can” là tựa bài báo trên tờ Tuổi Trẻ, phát hành ngày 15-6-2020. Phần kết của bài báo viết ở thể khẳng định: “Liên tục xảy ra nhiều vụ cố tình đâm va, Chính phủ Trung Quốc không thể vô can khi để những sự vụ ‘đi ngược lại nhận thức chung’ như trên tái diễn liên tục trong thời gian ngắn.

Những vụ tấn công tàu cá như thế không chỉ bị lên án là vô nhân đạo, mà còn làm xói mòn lòng tin giữa hai nước. Lòng tin là thứ khó tìm nhưng cũng là thứ dễ mất nhất”. (1)

Báo Thanh Niên số phát hành ngày 16-6 đã khéo léo chỉ trích với hàm ý đe dọa Trung Quốc, bằng một trao đổi của báo Thanh Niên với giáo sư Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc), chủ đề “đánh giá tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước các thách thức an ninh liên quan Trung Quốc”.

Báo Thanh Niên đã đặt ra ba câu hỏi như sau: “Ông nghĩ thế nào về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)?” – “Mỹ và nhóm bộ tứ an ninh đang ứng phó thế nào trước Trung Quốc?” – “Những hợp tác trên của bộ tứ và các nước có thể góp phần ngăn chặn những thách thức an ninh liên quan Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương?” (2)

Đề cập đến cái gọi là Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc mà Việt Nam đã nhìn nhận rằng “hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong một diễn đàn quốc tế do Trung Quốc đăng cai vào tháng 4-2019 (3); thì trên tờ VietnamNet ở số phát hành ngày 16-6-2020, đã không chút e dè khi nhấn rõ rằng:

Tháng 1 năm nay, đại dịch Covid-19 cực kỳ nguy hiểm bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng trên toàn cầu rất nhanh sau đó. Hậu quả của đại dịch này là sự hủy diệt và hỗn loạn kinh tế, chưa kể đến sự hỗn loạn xã hội, chính trị và văn hóa trên quy mô lớn. Trung Quốc chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến đại dịch.

Sáng Kiến Vành đai và Con đường vốn đang chao đảo lại càng chuyển hướng xấu hơn, có khả năng làm xói mòn những thành quả mà Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được. Nước này hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đường lối ứng phó trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Những khiếm khuyết cơ bản nào của Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến ảnh hưởng của đại dịch trở nên tồi tệ? Trung Quốc sẽ chọn con đường nào để khôi phục động lực của mình: “tăng cường hơn nữa” sáng kiến này trong đại dịch hay thiết kế lại để đưa sáng kiến này tiệm cận hơn với các thông lệ toàn cầu đang thịnh hành? Các tổ chức đa phương, các nước đang phát triển, EU và Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Chỉ có Trung Quốc mới biết họ sẽ chọn con đường nào, và còn quá sớm để đánh giá sự lựa chọn của họ là gì. Nhưng dù là gì đi nữa, sinh kế của người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển và đã phát triển cũng đang bị đe doạ”.

Bài báo cũng thẳng thắn chỉ trích: “Khi thiết lập Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc không hề cố gắng che đậy việc nước này nhìn trật tự tự do toàn cầu bằng nửa con mắt. Trung Quốc giao dịch và đầu tư chỉ để làm lợi cho quốc gia. Và Trung Quốc từ chối chấp nhận bất kỳ tổn thất nào.

Khi Sáng kiến này cung cấp một khoản vay thì các dự án thụ hưởng phải sử dụng lao động, vật liệu, dịch vụ vận chuyển và chuyên môn kỹ thuật của Trung Quốc. Quốc gia vay nợ không thấy lợi ích nào từ việc xây dựng này. Ngoài ra, Trung Quốc còn o bế quốc gia vay nợ, ép họ phải tham gia vào chuỗi cung ứng và thị trường của mình khiến các nước này phải lệ thuộc vào Trung Quốc” (4).

Bài báo đã gián tiếp cảnh báo chính phủ Việt Nam qua thông tin, “Một số quốc gia rơi vào nợ nần chồng chất khiến triển vọng phát triển ngày càng tăm tối. Những nước khác chỉ nhận ra rằng họ đã mất quyền kiểm soát các dự án của mình sang tay Trung Quốc khi rơi vào tình thế không thể trả được nợ mới”.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ của nợ nần chồng chất đó.

 

_________________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/tau-ca-viet-nam-bi-dam-o-hoang-sa-chinh-phu-trung-quoc-khong-the-vo-can-20200615104711171.htm

 (2) https://thanhnien.vn/the-gioi/de-trung-quoc-khong-thong-tri-indo-pacific-1238291.html

(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-voi-nguyen-tac-binh-dang-cung-co-loi-525951.html

(4) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-trien-vong-con-mo-mit-649146.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)