VNTB – Bên bàn cà phê cuối tuần: câu chuyện học thuật

VNTB – Bên bàn cà phê cuối tuần: câu chuyện học thuật

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Chạy theo thời sự, khi vừa nghe tin hết cách ly, Út tui quyết định đi lang thang các hè phố để… ‘nhiều chuyện’. Gì thì gì chứ ngồi ở nhà ba tuần, hết ăn, ngủ, coi tin tức rồi đọc báo, xem mạng xã hội, buồn quá thì chơi games giải trí… nói nào ngay cũng chán. Nên khi biết tin được ra khỏi nhà, dĩ nhiên là tui ra đường vẫn không quên đeo khẩu trang nhen, là Út tui nhanh chóng ‘tót’ liền.

 

Lại quán cà phê quen thuộc, tính kiếm mấy ông bạn nhâm nhi ly cà phê nóng, chẳng thấy ai. Thôi kệ, ngồi một mình cũng chẳng sao. Vô tình lại ‘hóng’ được câu chuyện bàn bên…

– Ê ông ơi, mấy bữa rày tui thấy trên mạng râm ran ý kiến về chuyện thi cử sắp tới của tụi học trò lắm đó, nhất là cái lứa thi 12 nè.

– Đúng là ông tám mà, nhiều chuyện thấy ghê. Mà chuyện gì vậy?

– Bà thì cũng có khác gì tui đâu! Thì chuyện thông tin dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ đổi thành thi tốt nghiệp THPT, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, trong khi các trường đại học tự chủ tuyển sinh đó mà.

– Ủa vậy thì cũng có gì lạ đâu, ngày xưa cũng vậy mà, những năm 2010 trở về trước cũng vậy mà.

– Nhưng mà thời gian gần đây thì không như vậy nữa. Nghe nói để tiết kiệm, tiện gọn gì đó, hai kỳ thi chặp làm một.

– Ủa vậy hả, mà tui thấy ngày trước đã chia làm hai được thì giờ chia cũng được có sao đâu?

– Cái vấn đề ở đây là Bộ giáo dục thay đổi cách thức thi quá bất ngờ, sao mấy đứa nhỏ trở tay kịp, nhất là nghỉ học dài nữa. Học trực tuyến thì hiệu quả không biết được bao nhiêu!

– Vụ này cháu có đi hỏi chuyện một vài người. Có người bảo học vậy thì tốt, giữa học sinh với thầy cô cũng liên kết với nhau, học qua online vậy không đứt quãng vấn đề học hành, cha mẹ cũng yên tâm. Những đứa siêng năng vẫn theo dõi học. Thì cũng có người cho là tiếp xúc với thầy có lợi hơn, học vậy thì có lớp lớn là học được, cỡ 12 thì được.

– Thì nói chung có học cũng đỡ, an tâm được phần nào. Bà Bảy gật gù. Mà rồi tình hình chung người ta nói sao?

– Dĩ nhiên đa phần là phản đối rồi. Nhưng chín người mười ý mà, cũng có ý đồng tình.

– Đồng tình là sao ông Tám?

– Nè, thấy báo đăng học hành thời dịch bệnh mà nghe tới thi muốn ‘phát khóc’ là sao? Mấy chục năm trước cũng thi 2 kỳ thi liên tục cách nhau 1 tháng cũng có ai khóc đâu. Đành rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ảnh hưởng là ảnh hưởng chung. Trường đại học cũng sẽ biết tìm cách để chọn lọc được những học sinh có đủ khả năng. Bản chất của tuyển sinh đại học là trường học tìm thí sinh cho mình chứ không phải học sinh tìm đường vào đại học.

– Nói vậy sao được, thì như ông nói khi nãy đó, sao học sinh ôn bài kịp?

– Thì đó cũng là một lý do, nhưng mà tui nhớ, hồi con tui nó thi đại học, nó đi học luyện thi từ năm lớp 10 lận. Lên tới 12, học ngày học đêm, học tới muốn bệnh luôn. Tui nghĩ kiến thức phải được tích trữ qua ngày, mỗi ngày một tí. Đã trang bị kiến thức để thi trắc nghiệm thì đương nhiên phải đủ kiến thức để thi tự luận chứ. Với lại tui thấy thi tự luận nó công bằng hơn. Trắc nghiệm hên xui thấy bà đi được. Vô khoanh đại hay không, ai mà biết được.

– Cháu thì nghĩ thêm một ý, các giảng viên đại học sẽ biết trường mình cần sinh viên như thế nào? Họ cũng đủ tầm để biết trong thời gian qua, dịch bệnh ảnh hưởng đến học sinh ra sao! Cháu tin chắc họ sẽ ra đề phù hợp với học sinh. Học nhiêu thi nhiêu mà. Em cháu cũng sinh 2002 nè, cháu có hỏi nó. Nó bảo cũng bình thường, lo quá hay la làng, quýnh lên cũng được gì? Chi bằng thời gian đó, lo học thêm kiến thức cho chắc ăn. Mẹ nó thì ngày nào cũng nói vô tâm, không lo.

– Ông Tám với cháu nói sao chứ bà Bảy thấy như vậy vẫn không ổn. Tự nhiên muốn đổi là đổi, coi sao được.

– Thật ra cháu biết cái nỗi lo của mấy em, của các phụ huynh. Nhưng mà cũng nên nghĩ cho trường đại học với. Sinh viên vô không phù hợp với trường thì làm sao? Đề thi chung có khi không đánh giá một cách tương đối đầy đủ năng lực mấy em thì sao? Có những đứa nó lựa ngành đó nhưng học không ổn, năm sau nó nhảy trường, nhảy ngành.

– Ôi thôi, đủ thứ chuyện. Dịch bệnh còn đó, rồi chuyện học hành. Tui nhức đầu quá. Mà thôi, tui hổng có ‘tám’ nữa đâu, tui về đi chợ, rồi còn lo cho mấy đứa cháu nữa. Hẹn ông với cháu bữa khác hen.

– Ờ, bà về mạnh giỏi, tui cũng về.

– Vậy cháu cũng xin phép.

Thế là câu chuyện kết thúc ở đây.

Lúc còn bé, mọi người hay bảo Út tui là cái thằng ba phải. Nói sao cũng nghe có lý, cũng ủng hộ. Thành ra, trong cái cuộc tranh luận này, tui thấy ý kiến nào cũng hợp lý cả. Cho nên, Út tui xin được miễn đưa ra bình luận trong vụ này nghe bà con cô bác…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)