VNTB – Bí thư đã dám ‘xé rào’ vậy sao không thử ‘xé’ tiếp…

VNTB – Bí thư đã dám ‘xé rào’ vậy sao không thử ‘xé’ tiếp…

Phú Nhuận

(VNTB) – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư quận ủy quận 6 và quận 7 đã ‘xé rào’, vậy sao giờ không tiếp tục… ‘xé’ tiếp cho dân chúng được nhờ?

Bí thư Quận ủy quận 6, bà Lê Thị Hờ Rin, kể, cuối tháng 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi vào nhóm chung của bí thư các quận/ huyện/ thành phố một đơn thuốc với 2 loại là kháng đông và kháng viêm. Hai loại thuốc này được dùng để điều trị có hướng dẫn cho F0 trong bệnh viện, khu cách ly. Tuy nhiên, thuốc này chưa được Sở Y tế hướng dẫn sử dụng ngoài cộng đồng.

“Từ gợi ý của Bí thư Nên, tôi hỏi ý kiến một số bác sĩ. Ba tôi cũng là bác sĩ nên tôi được làm quen, tiếp xúc với các loại thuốc ngay từ nhỏ. Tôi biết thuốc kháng viêm không xa lạ gì với nhiều người dân, vấn đề là sử dụng sao cho đúng.

Tại sao trong bệnh viện và khu cách ly dùng được mà chưa cho sử dụng ngoài cộng đồng? Vì thuốc này có chống chỉ định đối với một số trường hợp. Thế nên, điều quan trọng là trạm y tế phường phải hướng dẫn rõ và kỹ cho người dân trước khi sử dụng như phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày…

Thời điểm khó khăn như thế, nhiều ca tử vong như thế, với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm. Tôi chủ động đề nghị bí thư 14 phường trong quận vận động để có 2 loại thuốc kháng đông, kháng viêm phát cho F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, phường có thể phát bổ sung các loại khác như thuốc hạ sốt, vitamin C…

Tôi biết khi đó mình yêu cầu một chuyện chưa có trong quy định và chưa được Sở Y tế hướng dẫn, nhưng vì tình thế cấp bách, mình phải lựa chọn và ra quyết định, không thể chần chừ. Tôi dặn các phường khi điều trị F0 bằng thuốc này phải đưa xuống cho trạm y tế, hỏi rõ người dân có bệnh nền gì thì liên hệ bác sĩ của họ để phối hợp cho uống thuốc.

Tôi cũng thấy đây là một việc có phần mạo hiểm. Các phường cũng có chần chừ. Nhưng tôi phải rất quyết liệt, chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. Trong quá trình này, tôi thường xuyên theo dõi, động viên các phường. Phường nào chần chừ, tôi sẽ xuống kiểm tra nhiều lần, theo rất sát. Tôi hỏi đã mua thuốc chưa, phát chưa, đi xuống tận nơi chưa, đã có ai uống chưa, uống rồi thì như thế nào.

May mắn, từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Uống chừng 5-7 ngày thì xét nghiệm ra âm tính. Nhờ đó, nhiều người yên tâm với cách làm này…” (dừng trích).

Câu chuyện của Bí thư Quận ủy quận 7 ông Võ Khắc Thái: “Lúc đó nếu chúng tôi ráng thêm một chút, can đảm thêm một chút cứ tiếp tục quét thật nhanh rồi ‘xé rào’ thêm một bước cho điều trị ngay tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung thì có lẽ sẽ không bị tử vong nhiều và kiểm soát được sớm hơn…”.

“Thứ nhất, từ ngày 23-8, cứ 30-50 hộ, chúng tôi lập một tổ y tế tự quản. Đến nay, quận có có 803 tổ ở 10 phường. Thứ hai là 44 trạm y tế, trong đó có 34 trạm y tế lưu động trên 57 khu phố. Trước đây, một phường/trạm y tế thì nay gần như mỗi khu phố/trạm.

Khi đã có lớp nền vững chắc, chúng tôi nhận thấy bệnh viện dã chiến không thể chỉ là nơi “chứa” F0. Lúc đầu nhận “tá lả âm binh”, đưa hết F0 vào một khu, người không triệu chứng thành có triệu chứng, người nhẹ thành nặng. Hệ thống y tế không đáp ứng kịp nên tỷ lệ tử vong mới cao.

Nhìn lại đợt dịch này, tôi nhận thấy bộc lộ ra mấy khiếm khuyết về cơ chế.

Cần thay đổi tư duy, lấy y tế cơ sở làm trọng điểm để giải quyết vấn đề. Ngừa là ngừa dưới này, phòng là phòng dưới này, còn nếu phòng ở trên thì sẽ muộn. Xây nhà phải xây từ móng…” (dừng trích)

Vậy thì nếu các Bí thư kể trên đã dũng cảm ‘xé rào’, vậy thì rất mong thêm lần nữa, Bí thư Nguyễn Văn Nên hãy ‘xé’ tiếp với đề xuất như vầy về quyền đi lại: Quyền được chữa bệnh – Quyền được đi lại điều đã có qui định trong Hiến pháp và Luật định.

Trong lúc dịch ập đến quá nhanh và quá nguy hiểm, hệ thống y tế quá tải nên không chăm sóc tốt cho người dân, để người dân tự chữa bệnh. Các điểm chích ngừa cũng quá tải làm mất dữ liệu của người dân. Vậy thì hãy cho người dân tự khai báo, đây là tôn trọng 2 quyền trên của người dân.

Đối với người dân, khai báo sai là thảm hoạ vì:

(1). Chưa bị nhiễm mà nói bị, thì không có kháng thể bảo vệ, đưa đến lỡ bị nhiễm rồi chẳng may thương vong, đó là hành động tự sát.

(2). Còn chưa chích ngừa, hay mới 1 mũi mà nói chích rồi thì cũng tự sát tương tự.

(3). Các trường hợp nghi ngờ có thể test kháng thể. Các mạnh thường quân sẽ tài trợ cho người nghèo được test kháng thể qua việc đàm phán với các labo giá sỉ, cao lắm chỉ có 300 ngàn đồng/ người, tức tương đương mức giá của hai lần bị ‘chọt’ mũi của test nhanh kháng nguyên vẫn đang diễn ra.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)