VNTB – Bộ Chính trị có thay đổi quan điểm về chống dịch Covid-16?

VNTB – Bộ Chính trị có thay đổi quan điểm về chống dịch Covid-16?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – “Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công”.

Đoạn trích ở trên nằm ở Công văn số 79-CV/TW, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành ngày 29/1/2020. Nơi nhận công văn: Các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov).

Có 2 ý cần quan tâm ở đây: thứ nhất, thế nào là bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn chưa thể lường trước được sẽ ra sao? Thứ hai, việc tổ chức đại hội các cấp không thể diễn ra được vì sẽ ‘tụ tập đông người’, vậy thì làm sao có thể thành công?

Sở dĩ phải đặt hai vấn đề trên vì tính tới ngày 06/4/2020, phía Bộ Chính trị vẫn chưa có văn thư nào để điều chỉnh yêu cầu đã nêu tại Công văn số 79-CV/TW.

“Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch Covid-19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020”, World Bank nhận định như vậy về Việt Nam trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19”, phát hành ngày 31/3.

Cuối năm ngoái, trước khi Covid-19 bùng phát mạnh, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự một hội nghị của chính phủ và đề cập mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong năm 2019 dù “gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn”, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”. Ông Trọng dẫn một tuyên bố của Ngân hàng Thế giới, nói rằng “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.

Giờ thì thực tế đại dịch Covid-19 toàn cầu, nếu Bộ Chính trị vẫn bảo thủ về quan điểm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là vẫn tiếp tục quyết tâm lộ trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, thì “thành công” theo đúng nghĩa về lá phiếu dân chủ ngay trong chính nội bộ Đảng sẽ là điều không tưởng. Đơn giản là chẳng mấy ai đủ tâm trí ‘tụ tập đám đông’ để dự đầy đủ chương trình của đại hội Đảng.

Ngay cả việc nếu có ‘đại hội Đảng trực tuyến’ có lẽ cũng không mấy hào hứng, vì liệu ai sẽ dũng cảm ‘bất tín nhiệm’ những đồng chí có vai vế cỡ bí thư, thường trực tỉnh ủy, thành ủy…, song lại không thấy ‘ló mặt’, hoặc chỉ ‘thập thò’ ẩn nhiều hơn hiện trước cộng đồng ngay khi mùa dịch đang căng thẳng, đang rất cần cả hệ thống chính trị cùng chung tay.

Dân chủ trong Đảng từ diễn biến của dịch Covid-19 trên toàn quốc đang đặt ra nhiều vấn đề cần được biện giải sau khi đời sống trở lại bình thường, đại dịch đã đi qua. Đòi hỏi đó ở Việt Nam cũng giống như việc sau đại dịch, thế giới sẽ phải coi lại chuyện có nên đặt công xưởng làm ăn ở Trung Quốc như lâu nay để tận dụng thế mạnh của thị trường đông dân nhất này?

Nhìn chung, đại dịch dù thảm khốc đến đâu cũng phải đi đến thời điểm kết thúc. Sau đó, câu chuyện cấu trúc nền kinh tế thế giới dứt khoát phải được nói đến. Với những trục trặc được phơi bày rõ ràng, có thể thấy xu thế toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt ngay, nhưng sức mạnh của cơn sóng “thế giới phẳng” sẽ suy yếu đi nhiều; trong đó sẽ không ai quên việc “Trung Quốc ăn đàng sóng nói đàng gió” đang là điều mà cả thế giới ‘thấm đòn’ ở hiện tại.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)