VNTB – Bỏ phiếu EVFTA và rồi sao nữa?

VNTB – Bỏ phiếu EVFTA và rồi sao nữa?

Hiền Vương

(VNTB) – Ngay trong mùa dịch virus Corona/ Vũ Hán mà Việt Nam vẫn còn tù mù trong nhiều vấn đề an sinh, thì liệu có kỳ vọng gì cho nhân quyền khi EVFTA được bỏ phiếu đồng thuận?

Gọi là tù mù vì trong chuyện chống dịch, thứ vũ khí đơn giản nhất để người dân có thể hạn chế hữu hiệu việc lây lan dịch trong giao tiếp cộng đồng là cái khẩu trang y tế, thì nay không biết tìm mua ở đâu. Tình cảnh ngặt nghèo ấy lại thêm trớ trêu dở khóc, dở cười khi nhà chức trách Việt Nam lại xuất đến mấy chục tấn khẩu trang y tế theo yêu cầu của phía Trung Quốc – https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-xuat-khau-hon-36-tan-khau-trang-sang-trung-quoc-20200211185723645.htm

“Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam. Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền”, Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA) phát biểu, theo BBC News – https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51464314

Ở đây chỉ cần nhìn giản dị về nhân quyền qua chuyện quyền được mua khẩu trang y tế của người dân Việt Nam trong phòng lây lan dịch virus Corona/ Vũ Hán, đã thấy rõ là nhà nước Việt Nam đang không tôn trọng về quyền của chính người dân Việt Nam. Yếu tố liên quan đến Trung Quốc dường như là nguyên nhân chủ yếu trong vụ việc quyền sở hữu khẩu trang y tế ở mùa dịch.

Trên thực tế thì cũng khó trách cứ vị báo cáo viên Geert Bourgeois cũng như những thành viên bỏ lá phiếu EVFTA, vì những vấn đề nhân quyền phải được chính người dân địa phương lên tiếng thông qua các hội, đoàn xã hội dân sự. Ở Việt Nam việc hình thành các nhóm hội đoàn dân sự trong thời gian qua vẫn ít nhiều mang tính phong trào, nên hiệu ứng ‘mở miệng’ đa phần dấy lên ở vài thời điểm nào đó rồi lại thôi. Vụ việc Formosa Hà Tĩnh là một đơn cử.

Những tiếng nói trong bộ máy công quyền về vấn đề nhân quyền dường như chỉ mới dừng ở đốm sáng lẻ loi. Đơn cử, trong một tham luận liên quan đến EVFTA, vị tiến sĩ Luật của Khoa Luật, Đại học Ngoại Thương – ông Ngô Quốc Chiến dẫn chứng thực tế việc thực thi một số khía cạnh nhân quyền tại Việt Nam gặp phải một số trở ngại, xuất phát từ cách hiểu không giống nhau về vấn đề dân chủ và tự do ngôn luận.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mức độ tự do bày tỏ quan điểm của người dân Việt Nam, mức độ tham gia của người dân vào việc lựa chọn Chính phủ (Voice and Accountability) còn thấp (chỉ đạt 10 trên thang điểm 100) và đặc biệt là chỉ số này giảm dần từ năm 1996. Điều này là lẽ tất nhiên, vì quyền chính trị của người dân Việt Nam chịu giới hạn trong lựa chọn chỉ một đảng cầm quyền.

Lẽ đó nên sắp tới đây nếu nhân quyền trong quyền về chính trị của người dân Việt Nam được cởi mở hơn, thì yếu tố về địa chính trị mới kỳ vọng sẽ giúp nhận định của vị báo cáo viên Geert Bourgeois thành hiện thực. Nói một cách dễ hiểu hơn, đảng cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ mới sắp tới, cần chấp nhận một thể chế chính trị cạnh tranh theo lá phiếu tín nhiệm của người dân. Đó chính là nhân quyền về chính trị mà EVFTA cần có giải pháp hữu hiệu để thực thi.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)