VNTB – Cách ly không đồng nghĩa với kỳ thị

VNTB – Cách ly không đồng nghĩa với kỳ thị

Quang Nhựt

(VNTB) – Chiều 2/8, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán (Trung Quốc) để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng. Vấn đề này tạo nên nhiều ý kiến trái chiều…

Không ít ý kiến thất vọng cho rằng vậy là cuối cùng Đà Nẵng cũng được so sánh như Vũ Hán. Có lẽ, nhóm ý kiến này giả là người có quê quán, gốc gác Đà Nẵng nên mới cảm thấy ngán ngẩm như vậy. Cũng đồng cảm nhưng lại thắc mắc, so sánh như vậy thì sao? Và ý kiến của ông Bí thư liên quan gì đến người dân mà “người dân Đà Nẵng không như dân Vũ Hán”?

Cũng có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng và Vũ Hán là hai khu vực khác nhau. Việt Nam có phương pháp cách ly theo kiểu riêng, cách ly coi xã, phường là trọng điểm chứ không cách ly kiểu Vũ Hán. Vũ Hán cách ly bị động sau khi đã vỡ trận nên thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Trên thực tế, tình hình dịch Covid19 ở Việt Nam khá phức tạp, đã có nhiều ca tử vong (Đài Loan chỉ có 7 ca – https://www.nytimes.com/interactive/2020/us/coronavirus-us-cases.html). Chính vì vậy, việc chính quyền tích cực giải quyết vấn đề cũng như đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết là việc đương nhiên. Ở đây, xin được nói rõ là tác giả bài viết không có ý bênh vực chính quyền, nhưng ai cũng biết (thông qua báo chí, mạng xã hội), xuất hiện rất nhiều ca bệnh ở Đà Nẵng. Nếu không kịp thời cách ly, để những người bệnh đi sang những tỉnh thành khác, liệu có dám chắc nguy cơ lây lan bệnh sẽ không có?

Ý kiến cách ly Đà Nẵng như Vũ Hán chỉ là nhằm mục đích hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Xin được nói rõ, cách ly hoàn toàn không đồng nghĩa với kỳ thị. Nếu tương đồng ‘cách ly # kỳ thị’ thì khi Đà Nẵng phát hiện ca bệnh, TP.HCM cũng như các tỉnh thành sẽ không có vụ chi viện cho Đà Nẵng. Sẽ không có những cảnh bà con ở các nơi khác cùng nhau chung tay với Đà Nẵng vượt qua dịch bệnh.

Có thể nói, ý kiến của ông Bí thư còn như một biện pháp nhắc nhở người dân cũng nên cẩn thận sức khỏe trong mùa dịch.

Một thực tế cho thấy, khi dịch ở ‘giai đoạn bình thường mới’, nhiều người mặc định đã là hết dịch (trong khi đó chính quyền chưa công bố hết dịch), một số người không còn đeo khẩu trang… mặc dù các cơ sở y tế vẫn thường xuyên nhắc nhở; các băng-rôn, các bảng điện tử cũng thường xuyên nói về dịch cũng như các biện pháp phòng dịch. Khi có ca tử vong, người dân cũng lo đó, cũng sợ đó nhưng vẫn chưa quay lại trạng thái cẩn thận như thời đầu mùa dịch. Cũng xin được nói thêm, Đà Nẵng chưa bao giờ là Vũ Hán và chắc là cũng không ai mong Đà Nẵng như Vũ Hán mùa dịch.

“Có thể thấy nhiều ca lây nhiễm đều từ trường hợp chăm sóc, thăm bệnh, đi du lịch từ Đà Nẵng về. Cái này hoàn toàn không có ý kỳ thị gì hết. Nhưng theo mình phải kiên quyết ngay từ những giây phút đầu tiên này, nếu không tình hình xấu đi, lỡ chẳng may lây lan diện rộng, khi đó không biết phải như thế nào? Giờ thì chỉ cách ly xã hội mỗi Đà Nẵng, cần gì các tỉnh thành khác có thể ra sức chi viện. Chứ nếu có gì xảy ra, cách ly xã hội như đợt trước, nơi nào cũng khó khăn, khẩu trang khan hiếm, người dân không làm việc được. Lúc đó sẽ như thế nào? Mình hiểu là một số người yêu mến nơi mình sinh ra và lớn lên, họ bức xúc. Nhưng cũng nên nghĩ đến cái chung chứ”, Nguyễn Đức Long, một sinh viên quê gốc An Giang, hiện học tập tại TP.HCM chia sẻ.

Đúng là có cái chính quyền chưa hoàn toàn giải quyết được cho người dân. Tuy nhiên, cái nào làm được thì cũng nên gạt cái cảm xúc cá nhân qua một bên để mà thừa nhận. Thiết nghĩ, trong mùa dịch, cái cần trước tiên là phòng chống dịch, chữa bệnh cho người dân sao cho hiệu quả nhất. Với một địa danh có bề dày lịch sử, phong tục tập quán lâu đời, một nơi có nhiều người giỏi như Đà Nẵng, thì khôi phục lại hình ảnh thì có gì là khó?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)