VNTB – Cần có “giải thích hiến pháp” về điều 4

VNTB – Cần có “giải thích hiến pháp” về điều 4

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Thi thoảng vẫn có ý kiến kêu gọi cần ‘bỏ điều 4 hiến pháp’. Sẽ thuyết phục hơn, nếu như có “giải thích hiến pháp” về điều 4, theo đúng trình tự luật định.

“Điều 4.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Lập luận thường thấy từ cơ quan tuyên giáo về điều 4, Hiến pháp, chủ yếu có nội dung với các mẫu câu có lập luận như sau:

“Điều 4 Hiến pháp là tối thượng thể hiện quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Viện Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện các âm mưu, chiến lược hoạt động “diễn biến hòa bình”, tiến tới bạo loạn lật đổ, tác động từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của chúng là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn là rất quan trọng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu của lịch sử”.

Cách lập luận trên, đáng tiếc đó không phải là “giải thích hiến pháp”, và cũng không tuân thủ trình tự luật định liên quan.

Theo khoản 2 điều 159 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, có quy định như sau: Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Ngoài ra, tại điều này cũng có quy định về những cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh như sau: Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Như vậy, với thực tiễn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đồng thời là Chủ tịch nước, ông cần có đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội “giải thích điều 4, Hiến pháp”, qua đó sẽ giúp làm rõ hơn những băn khoăn lâu nay trong dân chúng, đồng thời sẽ là cơ sở pháp lý để xử trí các ý kiến được gọi là “diễn biến hòa bình”.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, điều 158 “Các trường hợp và nguyên tắc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”, ghi:

“1. Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được thực hiện trong trường hợp quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành.

2. Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

b) Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

c) Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”.

Như vậy, để có thể phù hợp với 2 khoản 1 và 2 của điều 4, cần có giải thích về khoản 3 của điều 4, Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp có những điều khoản cụ thể nào quy định về hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam?

“Pháp luật” được ghi ở điều 4.3, Hiến pháp 2013, đó là cụ thể ‘pháp luật gì’? Vì cho đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam vẫn chưa có luật về đảng chính trị.

Trong “giải thích hiến pháp” liên quan đến điều 4, cần làm rõ vì sao ở bản Hiến pháp 1959, ghi: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Bản Hiến pháp 1959 không có điều khoản nào trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như ở điều 4 các phiên bản Hiến pháp 1980, 1992, 2013.

Nói thêm, để “giải thích hiến pháp” về điều 4.3, cần “giải thích hiến pháp” về mối tương quan của điều 4.3 với điều 69, Hiến pháp 2013, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Xét về câu từ theo ngữ nghĩa tiếng Việt, lực lượng lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam – nếu theo điều 69, Hiến pháp 2013, đó là Quốc hội. Còn xét theo điều 4, Hiến pháp 2013, thì đó là cụm từ rất chung chung “Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Như vậy, rốt cuộc thì quyền lực tối cao ở Việt Nam là ai? Vì vậy cần có “giải thích hiến pháp”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)