VNTB – Cần một Trường Chinh thứ 2?

VNTB – Cần một Trường Chinh thứ 2?

Hữu Sự 

 

(VNTB) – Trong đêm tối trời, chỉ cần dám đổi mới chính trị đi liền kinh tế, thì hừng đông sẽ trở lại với dân tộc ta. Một Trường Chinh thứ 2 cần thiết xuất hiện trong thời điểm sắp tới.

 

Trung Quốc đang đối diện thực sự nhiều thách thức do dịch bệnh Covid-19.

 

Việt Nam dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đến nay lại không bị thiệt hại quá nhiều (về nhân mạng lẫn kinh tế) so với Trung Quốc.

 

Trong khi Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn với những siết chặt về tài chính, thương mại từ Hoa Kỳ thì Việt Nam vượt qua chặng đường 10 năm trong đàm phán, ký kết EVFTA.

 

Thời báo Kinh tế Sài gòn (The Saigontimes) ngày 19/2/2020 đăng tải bài viết, tựa đề “Hai cơ hội cho kinh tế Việt Nam từ Covid-19”. Tác giả Nguyễn Quang Đồng khẳng định, “Thiệt hại kinh tế trực tiếp và ngắn hạn từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đến nền kinh tế Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng về dài hạn, đây hoàn toàn có thể là một yếu tố mang lại cơ hội cho kinh tế Việt Nam.”

 

Một trong hai phương cách tận dụng cơ hội từ trong Covid-9, “đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó thúc đẩy kinh tế công nghệ, kinh tế số thay cho việc dựa dẫm quá nhiều vào gia công xuất khẩu và nông nghiệp.”

 

Những đề xuất đó chỉ có thể khả thi sau khi có  cải cách về chính trị (cơ chế).

 

Luật sư Ngô Ngọc Trai trong chia sẻ trên Facebook, khẳng định “dân chủ hoá” là cải cách đột phá thể chế để ứng phó với sự suy yếu của Trung Quốc. Là “con đường tất yếu duy nhất cho thịnh vượng và bền vững.”

 

Nhưng để thực sự “đột phá thể chế” để tương tác với cơ hội mà bối cảnh lịch sử mang lại cũng như EVFTA mang lại, thì nhân sự trong nhiệm kỳ tới là cực kỳ quan trọng. Nhân sự đó ở các vị trí chủ chốt, có quyền ra quyết định thực tế.

 

Nếu căn cứ Quy định 214 của Bộ Chính trị, thì chỉ cần đạt hoặc tiệm cận “quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược” là có thể thay đổi, tăng tốc con thuyền Việt Nam trong thời gian tới.

 

Thẳng thắn, Việt Nam cần một nhân sự có tư duy đổi mới về mặt chính trị, kinh tế. Nhân sự đó phải thừa kế tinh thần khách quan và lịch sử cụ thể, tư duy đổi mới như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chứ không phải là một “tư duy đổi mới” kiểu cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

 

Quan điểm trên xuất phát từ những khía cạnh có thể nhìn thấy từ cố TBT Trường Chinh: (1) dù phê phán quyết liệt việc khoán hộ sản phẩm của Kim Ngọc, nhưng khi trong vai trò Tổng bí thư đã đóng vai trò quyết định phát động công cuộc Đổi Mới – tức ông có tư duy biện chứng, lịch sử; (2) chủ động từ chức, nhường chỗ cho Nguyễn Văn Linh ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI – tức không tham quyền cố vị; (3) nhà lãnh đạo cực kỳ nguyên tắc, nếu chỉ nghe báo cáo thì vẫn chưa tin – tức người thực tiễn, biết sâu sát nhân dân thay vì ngồi phòng lạnh đọc báo cáo.

 

Chính những yếu tố đó đã khiến ông Trường Chinh ra quyết định viết lại văn kiện Đại hội VI theo hướng “phá rào”, quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Sẵn sàng thay vị trí bất kỳ ai trong bộ máy nhà nước nếu chống lại Đổi mới.

 

Đại hội 13 phải tận dụng tối đa lợi thế thời cuộc hiện có, tốc lực trong tư duy thời cuộc và vận hành công cuộc đổi mới toàn diện. Cởi bỏ chiếc áo cơ chế lỗi thời để xác lập một Đại hội đổi mới thứ 2, đổi mới về chính trị. Chỉ khi như thế, thì thịnh vượng và bền vững mới thực sự hiện hữu.

 

Trong đêm tối trời, chỉ cần dám đổi mới chính trị đi liền kinh tế, thì hừng đông sẽ trở lại với dân tộc ta. Một Trường Chinh thứ 2 cần thiết xuất hiện trong thời điểm sắp tới.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)