VNTB – Cần chấm dứt cảnh “lên tivi mà nhận”!

VNTB – Cần chấm dứt cảnh “lên tivi mà nhận”!

Mỹ Thuận

(VNTB) – “Các quy định về điều kiện hưởng chính sách đã và đang tạo ra các khó khăn cho cả hai nhóm: người lao động tự do và người lao động có giao kết hợp đồng lao động (lao động chính thức).

Đảng còn vì dân thì dân còn vững tin vào Đảng. Một đảng vì dân thì từng đảng viên, nhất là đảng viên – cán bộ, sau trước phải phục vụ nhân dân. Một cán bộ – đảng viên thật sự vì dân thì phải trung thực đặt việc dân lên trên hết, mưu cầu lợi ích cho dân trước khi cho mình, cho gia đình mình.

Bài viết muốn được góp ý với những cán bộ – đảng viên trong chuyện ban hành chính sách an sinh liên quan dịch bệnh Covid-19.

Lời thật liệu có mất lòng?

Bà Nguyễn Thu Hương – Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, là tổ chức đang có các hoạt động nghiên cứu gói hỗ trợ tài chính cho người lao động trong đại dịch, có những nhận xét như sau về gói an sinh 62 ngàn tỷ đồng mà chính phủ Việt Nam đã đưa ra:

“Các quy định về điều kiện hưởng chính sách đã và đang tạo ra các khó khăn cho cả hai nhóm: người lao động tự do và người lao động có giao kết hợp đồng lao động (lao động chính thức).

Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định nhóm lao động chính thức muốn được hưởng gói hỗ trợ phải đáp ứng đủ ba điều kiện: “Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian của hợp đồng lao động là từ một tháng liên tục, tính từ ngày 1/4 – 30/6/2020”, “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” và “làm việc tại các doanh nghiệp không có tài chính để trả lương… do ảnh hưởng của Covid-19”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động bị cho nghỉ liên tục tối đa bảy ngày/tháng và có thể kéo dài như vậy trong vài tháng. Họ cũng không làm thêm, tăng ca như bình thường vì công ty đang phải hoạt động cầm chừng, dẫn đến mức thu nhập của họ bị giảm đáng kể.

Tiêu chí doanh nghiệp (nơi người lao động đang làm việc) không có doanh thu cũng rất khó xác định. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải hoạt động cầm chừng với mức doanh thu thấp, thu nhập của người lao động giảm sút đáng kể. Có tình trạng người lao động bị nghỉ việc do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng để họ được hưởng chính sách thì Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định “doanh nghiệp lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương” đề nghị lên tổ chức công đoàn cơ sở hoặc bảo hiểm xã hội xác nhận.

Trên thực tế, khi doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ việc, thường thì họ không còn mối quan hệ lao động với người lao động nữa, nên sẽ không lập danh sách hoặc không xác minh cho người lao động.

Bên cạnh đó, tiêu chí “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” đã bỏ lại nhiều người lao động trong các doanh nghiệp không thực thi việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Nhìn chung, việc giám sát thực hiện chính sách cho cả nhóm lao động chính thức và tự do còn rất hạn chế. Đặc biệt, công tác thống kê người lao động tự do và công nhân trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn chưa được rà soát cụ thể, thiếu số liệu tổng thể, dẫn tới hiện tượng bỏ sót đối tượng thụ hưởng, đề xuất sai đối tượng nhận hỗ trợ.

Có địa phương như tỉnh Bắc Ninh, hiện chính quyền địa phương và liên đoàn lao động tỉnh này vẫn đang rà soát đối tượng người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, nơi nào rà soát xong mới cấp hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình lập danh sách và rà soát diễn ra khá lâu, dù bắt đầu từ tháng Năm nhưng đến nay vẫn chưa chi hỗ trợ cho người lao động”.

M.net và Oxfam đang thu thập ý kiến phản hồi của người lao động về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu cập nhật tới ngày 18/8/2020, đã có 1.757 người phản hồi ý kiến, đa số ở TP.Hà Nội, trong đó có 73,21% là người lao động tự do, 24,69% là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, 1,36% là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, 0,74% là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chấm dứt cảnh “lên tivi mà nhận”?

Về phía Chính phủ Việt Nam, đến nay vẫn chưa thấy có sự phản hồi nào về việc điều chỉnh chính sách ra sao, trong khi đó phía Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa đề xuất gói hỗ trợ tiếp theo có kinh phí lên tới 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất – kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.

Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1-9-2020 đến 1-9-2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Chuyện vay như trước liệu có lâm vào tình cảnh từng xảy ra, được ghi nhận như mô tả tiếp theo đây:

Bán hàng rong ở khu vực trung tâm TP.HCM hơn 5 năm nay, bà Kim Cương (quê miền Trung) cho biết từ sau tết đến giờ hầu như không buôn bán được do dịch Covid-19, trong khi tiền trọ lên tới 2 triệu đồng/tháng. “Nhưng muốn nhận được hỗ trợ, vợ chồng tui phải làm xác nhận chưa nhận được hỗ trợ ở quê, mà tiền đâu chạy ra chạy vô trong khi tiền hỗ trợ cũng không nhiều”, bà Kim Cương cho biết.

Với bà Trần Thị Xuân Hương (bán hàng rong ở TP.HCM) cho biết khi thành phố giãn cách xã hội, bà về lại quê nhưng địa phương từ chối hỗ trợ với lý do gia đình bà buôn bán và có con đi làm, trong khi con trai mới ra trường đi làm cũng phải về nằm nhà vì mất việc. Ông Long – một người dân chạy xe ôm ở quận 5 và có vợ bán bánh mì (đều trên 60 tuổi) – cũng chẳng nhận được tiền hỗ trợ, dù hai vợ chồng đều làm hồ sơ gửi lên phường.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé (41 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng bán dạo các loại gương lược, hộp quẹt… quanh bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng không được xét nhận khoản tiền hỗ trợ dù phải nghỉ bán để về quê trong đợt giãn cách xã hội ở TP.HCM trước đó. “Địa phương nói chúng tôi không thuộc diện hộ nghèo nên đâu xét hỗ trợ, trong khi vợ chồng tôi đang thuê nhà ở trọ đi bán dạo để gửi tiền về quê nuôi ba đứa con, khó khăn lắm”, bà kể.

Liệu những phận đời kể trên có thể nhanh chóng nhận được gói hỗ trợ về lãi suất vay 3,96%/năm như đề xuất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội?

Một ý kiến được ghi nhận ngay tại vùng dịch Đà Nẵng: “Tôi là chủ hộ kinh doanh ở Đà Nẵng và là đối tượng chịu thiệt hại trong cả hai đợt dịch. Sau khi lên phường kê khai, tôi hiểu khá rõ cách mà chính quyền dự tính thống kê số đối tượng bị ảnh hưởng, rất hợp lý.

Dựa trên thực tế cả thành phố giãn cách gần như trọn tháng Tư, tất cả công dân có đăng ký thường trú/tạm trú ở TP.Đà Nẵng đều sẽ bị ảnh hưởng. Phường nơi cư trú sẽ là nơi tiếp nhận tờ khai, chuyển lên cho quận, quận đối chiếu với các điều kiện của gói cứu trợ và xác định danh sách người được hỗ trợ.

Thế nhưng, việc quyết định đối tượng nào sẽ được nhận lại quá mập mờ, đến nỗi người dân xóm tôi bảo “muốn nhận cứu trợ thì lên ti vi mà nhận”. Gói cứu trợ cho sinh hoạt người dân các tháng Tư, Năm, Sáu nhưng đến tháng Tám tôi vẫn không nhận được phản hồi nào”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Minh Tangtuyet 4 years

    Càng kéo dài thì Trọng, Phúc, Tô Lâm lại càng uy quyền…đặc biệt nếu kéo đến “đại hội” là tha hồ mà ban ơn?…