VNTB – Cần chấm dứt việc cơ quan hành pháp vừa lập biên bản vừa xử phạt

VNTB – Cần chấm dứt việc cơ quan hành pháp vừa lập biên bản vừa xử phạt

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Trong lĩnh vực thi hành pháp luật mà phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc có thể dễ dàng nhiều ý kiến khác nhau, thì cơ quan hành pháp phải chuyển qua cho cơ quan tư pháp – tòa án để xử lý để bảo đảm tính khách quan, chứ không để cơ quan hành pháp vừa lập biên bản vừa xử phạt nữa.

Đồng thời, việc chuyển cho tòa án xử lý theo thủ tục tố tụng chặt chẽ cũng là đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đang có một lập luận từ cơ quan công an: Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.

Câu hỏi đặt ra: làm sao để cơ quan công an phân định “những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội”? Đơn cử, báo điện tử Zing có bài “Người Mỹ thất nghiệp tăng đột biến, trạm lương thực miễn phí quá tải” (*); đây là tựa bài báo được chỉnh sửa lại khi vấp phản ứng của cộng đồng.

Tựa bài báo trước đó là “Ngân hàng lương thực cạn kiệt, hàng triệu người Mỹ đối mặt với nạn đói”. Nội dung bài báo trên tờ Zing và tờ Báo Mới (một ấn phẩm cũng của Zing), cho thấy phần nội dung nếu ở tựa được sửa lại thì phù hợp, còn tựa lúc khởi thủy là suy diễn ác ý.

Thế nhưng liệu cơ quan công an có thể căn cứ vào Luật An ninh mạng để xử phạt tờ Zing theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020?. Câu trả lời là có thể phạt hành chính được, nhưng để thuyết phục bằng chứng cứ lập luận văn bản về ngôn ngữ của báo chí, có lẽ đó là chuyện của tòa án.

Hiện nay để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thì người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế. Nếu không chứng minh được có vi phạm hành chính, trên thực tế thì không thể xử phạt, và muốn xử phạt về hành vi vi phạm nào thì phải chứng minh có hành vi đó.

Mặc dù vậy, người có thẩm quyền đôi khi vẫn không có đủ thông tin cần thiết, hoặc thông tin họ có không rõ ràng, chính xác nên có thể dẫn đến kết luận sai và ra quyết định xử phạt sai.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt, Luật năm 2012 đưa ra nguyên tắc cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Nguyên tắc này được thể hiện rất rõ trong quy định về quyền giải trình của người bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên vẫn là chấp hành xử phạt trước, khiếu nại sau.

Kiểu hạ hồi phân giải không phù hợp cho các tranh chấp liên quan đến luật pháp, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu kiện tràn ngập khó giải quyết, mà hơn 60% thuộc lĩnh vực đất đai vốn rất phức tạp.

Dân là chủ, phục vụ người chủ là trước khi làm điều gì thì phải chứng minh điều này có mang lại lợi ích chính đáng cho ông chủ hay không, bảo người dân cứ nhắm mắt làm theo anh là không dân chủ rồi. Đó là cách ứng xử “cả vú lấp miệng em”, xuất phát từ        tư duy áp đặt, sợ đối thoại công khai vốn thường xảy ra trong những tranh luận do luật lệ không rõ ràng. Nhiều điều khoản ở Luật An ninh mạng là dẫn chứng cho lối tư duy trấn áp ấy.

_________________

Chú thích:

(*) https://zingnews.vn/nguoi-my-that-nghiep-tang-dot-bien-tram-luong-thuc-mien-phi-qua-tai-post1077672.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)