VNTB – Chiến tranh Iraq-Hoa Kỳ xảy ra, Biển Đông có thể bị đe dọa

VNTB – Chiến tranh Iraq-Hoa Kỳ xảy ra, Biển Đông có thể bị đe dọa
Trần Kiên
(VNTB) – Khi Hoa Kỳ dồn trọng tâm cho cuộc chiến tại Trung Đông, thì tại Biển Đông, có thể Bắc Kinh sẽ lợi dụng tình hình để chiếm ưu thế như đã làm trong 3 năm (2015-2019). 

Mặc dù Indonesia và Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay, nhưng Jakarta vẫn lo lắng. Trung Quốc đe dọa chủ quyền Indonesia vừa qua đã khiến cách tiếp cận của Indonesia (thiên về trung lập từ năm 1990 đến nay) không thành công trong ngăn chặn sự xâm thực của Bắc Kinh, theo The Diplomat.

Indonesia chưa bao giờ phản ứng mạnh mẽ trong các tranh chấp Biển Đông, mặc dù đường lưỡi bò nằm đè lên vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Natuna. Nước này luôn tìm cách cân bằng quan hệ với Bắc Kinh thông qua ngoại giao mềm tương tự như Hà Nội hay Malaysia.

Trước đấy, đường lối ngoại giao có phần nhún nhường từ Hà Nội từ 2015 đến 2018 đã phải trả giá bằng sự kiện Bãi Tư Chính, kéo dài từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 10 năm 2019.

Nhưng câu chuyện không dừng tại đó. Quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông đe dọa cuộc đàm phán về Các quy tắc ứng xử (COC), vốn được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ cho hòa bình và an ninh cho các quốc gia thành viên Asean. Bắc Kinh cũng thể hiện sức mạnh và tham vọng quân sự của mình, sử dụng tàu sân bay Sơn Đông để theo dõi Biển Đông và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp.

Theo Bloomberg, khi Jakarta điều động tàu chiến và 120 tàu cá, đã khiến tình hình ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Chính phủ Indonesia tuyên bố trong cuộc họp báo đầu năm 2020 rằng, họ sẽ không đàm phán về chủ quyền của đất nước. Nhưng ngay cả như thế, thì tuyên bố từ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng vẫn thể hiện tinh thần chủ quyền Bắc Kinh.

“Trung Quốc và Indonesia đã liên lạc với nhau thông qua các kênh ngoại giao. Trung Quốc và Indonesia là đối tác chiến lược toàn diện.”. Nhấn mạnh, cả Bắc Kinh và Jakarta là “các quốc gia duyên hải ở Biển Đông và các nước lớn trong khu vực, cả hai nước đều gánh vác nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.”.

Nhu cầu của Bắc Kinh vẫn là đẩy mạnh tham vọng của mình, trước khi các quốc gia bên ngoài có thể can thiệp sâu hơn vào Biển Đông. Bằng chứng, Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn với Bắc Kinh liên quan đến hợp tác quân sự – quốc phòng, một trong số đó là loại bỏ Trung Quốc khỏi Tập trận hải quân RIMPAC 2018. Dù vậy, động thái này không ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông, và nước này tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn và thực hiện các hành động làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và gây nguy hiểm cho các tuyến thương mại quan trọng, vùng biển giàu tài nguyên này.

Chưa dừng tại đó, Bắc Kinh có thể bị lợi dụng bởi các cuộc chiến bên ngoài khu vực để hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông.

Hãy xem xét sự kiện Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi Iran-Hoa Kỳ kiềm chế, xuất phát từ 44% lượng dầu nhập khẩu của nước này đến từ các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Chiến tranh cũng tác động đáng kể đến việc mở rộng Sáng kiến vành đai và con đường, nhằm mục đích biến Trung Quốc thành động lực của thương mại toàn cầu. Trung Quốc cũng đã đầu tư 13,7 tỷ USD vào Iran, theo báo cáo theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc.

Dù vậy, trong trường hợp xấu nhất là chiến tranh nổ ra toàn diện, thì Biển Đông là con bài chiến lược mà Bắc Kinh đang nắm giữ, về mặt khỏa lấp lỗ hổng thương mại và quân sự của nước này, ngay cả trong trường hợp lợi ích tại Trung Đông của Bắc Kinh bị tổn thương vì cuộc chiến. Do đó, khi Hoa Kỳ dồn trọng tâm cho cuộc chiến tại Trung Đông, thì tại Biển Đông, có thể Bắc Kinh sẽ lợi dụng tình hình để chiếm ưu thế như đã làm trong 3 năm (2015-2019).

Điều này đưa ra một cảnh báo, các nước có yêu sách trực tiếp và liên quan nhất đến chủ quyền tại vùng Biển Đông cần hết sức cảnh giác trước khả năng Trung Quốc bao chiếm Biển Đông trong năm 2020, đặc biệt là Việt Nam.

Theo Dự án Đại sự ký Biển Đông thông tin, tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 35111 và 46303 đã hiện diện ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, cách Bãi Tư Chính khoảng 45 hải lý vào ngày 8/1.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)