VNTB – Chính quyền cấp quận có phải được dân bầu?

VNTB – Chính quyền cấp quận có phải được dân bầu?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Theo luật thì Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Những nội dung trên có trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Nếu cứ răm rắp chuyện viện dẫn luật để mà luận bàn, thì nên hiểu sao đây trước tin tức mà báo chí ở Sài Gòn đăng hôm đầu tuần 13-4: “Sáng 13-4, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trao quyết định của UBND TP phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình đối với ông Trương Tấn Sơn. Trước đó, ông Trương Tấn Sơn – phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên, được điều động đến nhận công tác tại quận Tân Bình. Cuối tháng 3-2020, HĐND quận Tân Bình đã bầu ông Trương Tấn Sơn giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình nhiệm kỳ 2016-2021” (*)

Ông Trương Tấn Sơn không là đại biểu Hội đồng nhân dân, mà ông được Thành ủy TP.HCM ‘điều động’ đến nhận công tác tại quận Tân Bình, và Hội đồng nhân dân của quận này đã ‘bầu’ ông Trương Tấn Sơn để đúng quy trình về phê chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Tin tức chi tiết hơn: Chiều 26-3-2020, Hội đồng nhân dân quận Tân Bình đã khai mạc kỳ họp thứ mười ba (kỳ họp bất thường), nhiệm kỳ 2016- 2021. Tại kỳ họp các đại biểu Hội đồng nhân dân quận đã tiến hành bỏ phiếu bầu ông Trương Tấn Sơn – nguyên Phó tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn một thành viên – giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận – nhiệm kỳ 2016- 2021 với số phiếu bầu 37/37, đạt 100%. (**)

Thân phụ của ông Trương Tấn Sơn là ông Trương Tấn Sang, cựu Chủ tịch nước (nhiệm kỳ từ 25 tháng 7 năm 2011 cho đến 2 tháng 4 năm 2016), là Đại biểu Quốc hội Việt Nam (khoá IX, X, XI, XIII), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII, IX, X, XI), Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương (2011-2016), Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương (2000-2006), Bí thư Thành ủy TP.HCM (1996-2000) và Chủ tịch UBND TP.HCM (1992-1996).

Ông Trương Tấn Sang là người giữ chức danh Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cái cách Tư pháp Trung ương ngay từ khi thành lập Ban này vào ngày 19-9-2011, theo Quyết định số 39-QĐ/TW do Bộ Chính trị.

Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cải cách Tư pháp và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Như vậy từ vụ việc bổ nhiệm ông Trương Tấn Sơn, cho thấy rất có thể đây là chủ trương của Bộ Chính trị, mặc dù việc ‘điều động’ đó không được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.

______________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/ong-truong-tan-son-giu-chuc-pho-chu-tich-quan-tan-binh-tp-hcm-20200413111900552.htm

(**) https://tanbinh.hochiminhcity.gov.vn/web/neoportal/-/khai-mac-ky-hop-thu-muoi-ba-hoi-ong-nhan-dan-quan-ky-hop-bat-thuong-nhiem-ky-2016-2021-e-thuc-hien-cong-tac-can-bo

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)