VNTB – Chương trình hành động của những ứng viên là gì?

VNTB – Chương trình hành động của những ứng viên là gì?

Hiền Lương

(VNTB) – Dự kiến Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18-10-2020.

Thời gian hiện tại là các đợt sinh hoạt chính trị trong tầng lớp nhân dân; trong đó có kêu gọi mọi người tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội của Đảng bộ TP.HCM.

Tư cách là người dân Sài Gòn, và đặc biệt là tôi chưa được đọc qua tài liệu gọi là dự thảo báo cáo chính trị của đại hội, tôi muốn đại hội cần công khai các chương trình hành động của những ứng viên muốn nhận được lá phiếu tín nhiệm vào Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trước tiên, Đảng bộ TP.HCM cần giới thiệu công khai nhân sự, sau đó những người này phải đề ra chương trình hành động, hứa trước dân và được các đảng viên tham dự đại hội bầu trực tiếp, và được trực tuyến để người dân giám sát.

Chắc sẽ có thắc mắc, vậy cơ sở pháp lý nào để một ‘dân đen’ như tôi đưa ra yêu cầu trên? Xin trả lời nhanh, chúng ta đã thực hiện đâu mà đòi hỏi cơ sở pháp lý. Cái gì cũng đòi hỏi cơ sở pháp lý thì lấy đâu ra sáng kiến. Sáng kiến phải nằm ngoài pháp lý chứ.

Tôi có nghe nói ở một số nơi đã bầu bí thư trực tiếp rồi, đó cũng là cơ sở, tiền đề để thực hiện đề xuất trên. Đại hội bầu ra bí thư chứ không phải ban chấp hành bầu, vậy thì tại sao ở thành phố có tiếng là trung tâm tài chính – văn hóa vào loại bậc nhất quốc gia, các đảng viên của thành phố lại không được trao cái quyền lá phiếu công khai – minh bạch từ chương trình hành động của những ứng viên?

Thế này, nếu các chương trình hành động của ứng viên nhận được lá phiếu bầu cử cao nhất, thì trong quá trình làm việc, nếu những người này không đáp ứng yêu cầu công việc, làm không tốt thì phải sẵn sàng nhường vị trí cho người khác, chứ không có chuyện đã lên không xuống, đã vào không ra.

Hơn nữa, nếu người được lá phiếu trực tiếp bầu đó mắc khuyết điểm, thì việc giám sát, phát hiện sẽ rất nhanh chóng. Từ đó chính các đảng viên và người dân sẽ đánh giá được năng lực thật sự, chứ không phải có những sai phạm phải chờ đến 10 năm mới được khui ra như thời gian vừa qua mà người ta tung hô cho chuyện ‘củi – lò’.

Nói cách khác, nếu thực hiện cách làm này sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, đảng viên được bầu lên phải chịu sự giám sát trực tiếp của người dân, phải có năng lực thực sự, phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể tồn tại được vị trí của mình.

Nếu đảng viên không làm tốt – dù quyền cao chức trọng đến đâu, thì người dân sẵn sàng thay thế đảng viên đó bằng những người khác ưu tú hơn, dĩ nhiên ở đây không có luôn chuyện đảng viên yếu kém đó được ‘rút về’ Ban Kinh tế Trung ương, chẳng hạn.

Điểm ưu việt tiếp nữa là nếu để lá phiếu đảng viên bầu trực tiếp, sẽ phần nào có thể hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền, vận động ‘không trong sáng’. Lúc đó buộc các ứng viên phải có những chương trình hành động mang lại lợi ích cho người dân, cho đảng viên đang sinh sống tại TP.HCM…, để người ta tin tưởng mà bầu những đảng viên vào vị trí đó.

Người dân biết rất rõ rằng có những đảng viên khi được chuẩn bị “nhắm” đưa vào ghế lãnh đạo nào đó, họ phải tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, cấp dưới, của bộ phận tham mưu, giúp việc… Tức là tranh thủ nhiều lực lượng khác nhau. Mà tranh thủ như thế đương nhiên là dấu hiệu không bình thường, chính là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền. Đó chính là chủ nghĩa cơ hội, là mảnh đất cho những người có cơ hội chính trị phát triển.

Họ có thể chạy được một phần nào đó, nhưng chắc chắn không thể chạy hết được nhân dân, chạy hết được số đảng viên đang sinh hoạt chung ở Đảng bộ địa phương. Nếu chưa chấp nhận việc dân bầu lãnh đạo, thì ít nhất các đảng viên phải được trao cái quyền bầu cho những người sẽ trọng trách “điều hành” chính Đảng bộ tại địa phương đó.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)