VNTB – Có một người tử tế ở Kiên Giang

VNTB – Có một người tử tế ở Kiên Giang

Thới Bình

 

(VNTB) – Làm sao để có tiền cho chuyện ‘đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân’

 

Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua.

Hôm 23-7, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, theo ghi nhận của báo chí thì ông chủ tịch tỉnh này có những phát biểu hết sức tử tế.

Xin được lược thuật đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo về việc Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành xuất phát từ cuộc sống của người dân mà chống dịch, chứ không máy móc với các biện pháp cấm đoán cực đoan.

Ông Thành nói rằng cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt kiểm soát phòng chống dịch.

“Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì.

Nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ. Chưa kể, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng rồi áp dụng làm sao, các chốt không lẽ cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường” – ông Lâm Minh Thành biện luận cho quan điểm quản lý của mình.

Cũng liên quan tới việc áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, ông Thành nói rằng sao lại cần đến việc phát phiếu như thời tem phiếu bao cấp. Bởi rất đơn giản, việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.

“Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ”, ông Lâm Minh Thành khẳng định quan điểm như vậy.

Những quyết sách nói trên của ông Lâm Minh Thành được đánh giá là hợp lòng dân, với một số ghi nhận khen – chê và không ít hoài nghi như sau:

“Phiếu dùng để đi chợ nhưng đặt trường hợp nhà tôi và chợ cách nhau một con sông và cái phiếu đó bị hiểu nhầm là “phiếu” dùng “để được đi qua chợ”. Người này nói người khác nghe lại thêm vô một chữ, đến nỗi có người hỏi tôi “giấy đi chợ bán ở đâu”? Lúc đó tôi giải thích phiếu không bán mà phát cho người dân, phiếu đó chỉ dùng đi vào chợ và không phải có cái phiếu đó rồi muốn đi đâu là đi là không đúng, lúc đó người hỏi mới hiểu ra”;

Khổ nhất là xuống tới địa phương, thì tinh thần của chủ tịch bị biến thể. Cán bộ địa phương hiểu theo 1 hướng khác và luôn làm khó các xe tải vận chuyển hàng. Rất mong trên tỉnh sẽ chỉ đạo chi tiết để địa phương hiểu đúng và thực hiện không rập khuôn”;

“Đồng ý với ông, thiết yếu là nhu cầu thiết yếu cho mỗi tình huống cụ thể mà không ai có thể xác định trước.

Ví dụ: Đi mua bánh mì khi người ta đói và trên địa bàn không có chỗ nào bán bánh mì hoặckhông có món nào khác vừa với túi tiền như bánh mì. Đi bán nông sản thu hoạch được vừa là để cung cấp sản phẩm cho người khác, vừa có thể là nguồn thu của nông dân để trang trải chi phí cho những nhu cầu khác để sống qua ngày. Vậy thì tại sao chúng ta có thể hời hợt gọi đó là nhu cầu không thiết yếu hay ra đường vì mục đích không thiết yếu? Các văn bản được đưa ra cần đi sâu và cụ thể hơn về vấn đề này”;

Có bán mới có người mua mà cấm mua hàng hóa thiết yếu thì sẽ ế hàng và hư hỏng, rất lãng phí và cứng nhắc qui tắc”;

“Tôi nuôi cá, cá đã quá lứa, nhưng không bán được vì đội thu hoạch chở lưới đến ao của tôi thì bị chốt đuổi về. Thương lái chán nản nên gọi mãi không ai thèm tới mua cá của tôi, tôi phá sản. Tôi ước có chủ tịch như tỉnh Kiên Giang”…

Người viết lược thuật này thì chỉ mong muốn mỗi điều vầy thôi: làm sao để có tiền cho chuyện ‘đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân’ như lời của chủ tịch tỉnh Kiên Giang.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)