VNTB – Đến lúc nào “Cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học chịu “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

VNTB – Đến lúc nào “Cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học chịu “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

 Mai Lan

(VNTB) – Vụ việc đang diễn ra về mối quan hệ đối kháng giữa cơ quan chủ quản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quyền tự chủ đại học là ‘giọt nước tràn ly’ cho đòi hỏi đã đến lúc “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của “cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học.

Có nghi vấn là dường như vì không chấp nhận chuyện trích 30% lợi nhuận để “cúng” cho cơ quan chủ quản, nên Hiệu trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã bị “tạm dừng chức 90 ngày”, kèm theo đó là loạt xử lý kỷ luật Đảng.

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Cuba, Iran, Mông Cổ, Nga và Việt Nam là còn khái niệm bộ chủ quản các đại học.

Ở thời Thủ tướng Phan Văn Khải, đã có ý kiến cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường đại học. Tuy nhiên sự việc dằng dai suốt 20 năm qua vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể.

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 13), chia sẻ câu chuyện sau đây liên quan đến yêu cầu “cơ quan chủ quản” đã có thể “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII; hoặc nếu ở đây không có sự tự nguyện từ các chủ quản, thì văn kiện soạn thảo cho Đại hội Đảng XIII cần đưa ra “mệnh lệnh Đảng” cho yêu cầu đó.

Ông Lê Như Tiến, kể:

“Thời kỳ còn công tác tại Quốc hội, tôi cũng đã có một số dịp làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, giám sát thực hiện Luật Giáo dục, tôi rất ấn tượng về tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nhà trường.

Từ thời kỳ đầu thành lập vào năm 1997 trường không có nhà cửa, đất đai, tất cả đều phải đi thuê. Tài chính thì chỉ có một ít ban đầu để làm thủ tục thành lập, chứ không có ngân sách cho đào tạo và xây dựng cơ bản.

Thời kỳ đó trường chỉ 9 người và hầu như không có giảng viên. Không chương trình-giáo trình-tài liệu, tất cả đều mượn của các trường đại học khác; Không có phòng thí nghiệm và trang thiết bị. Với một loạt những cái “Không” ấy thì lẽ đương nhiên là trường không có thương hiệu, chìm nghỉm, vô danh. Nhưng điều đáng mừng là khi phải đối diện với hàng loạt khó khăn như vậy, tập thể lãnh đạo và viên chức của trường đã hết sức nỗ lực để có những bước tiến mới rất mạnh mẽ.

Sau 22 năm phát triển, trường đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Cụ thể hơn thì nhân sự, lực lượng chuyên môn từ 9 người ban đầu mà đến nay đã có gần 1.400 người, trong đó có tới 50% tiến sĩ (trong số đó có 203 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài).

Như vậy là Đại học Tôn Đức Thắng đã có những kế hoạch vượt ra khỏi biên giới, đưa về nước nhân lực trình độ cao, chuyên gia Việt kiều theo chính sách của Đảng; nguồn chất xám rất lớn từ nhiều quốc gia. Trường cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản trị đại học hiệu quả, tiên tiến và văn minh trường học, văn hóa đại học rất đặc thù.

Vì lẽ đó mà các trường đại học lấy Tôn Đức Thắng là mô hình để phấn đấu – đó là mô hình văn minh và hiệu quả. Cho đến giờ thì Tôn Đức Thắng không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà tên tuổi đã được ghi nhận trên thế giới.

Đó là điều rất đáng tự hào với đất nước Việt Nam của chúng ta, vì nhiều năm nay hầu như không có trường đại học nào làm được điều đó. Về giáo dục, trường đã có chương trình, giáo trình… hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới; cách dạy-học như các đại học tiên tiến. Với cách làm hiện đại và hiệu quả như vậy nên 100% sinh viên ra trường có việc làm. Sinh viên nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và rất được doanh nghiệp ưa thích.

Cùng với quá trình ấy, trường đã đẩy mạnh các hoạt động về khoa học-công nghệ, đến 2018, 2019 đã đứng đầu cả nước; vào TOP 25 cơ sở khoa học-công nghệ xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam Á. Trường là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 7 bằng sáng chế công nghệ được USPTO (Hoa Kỳ) cấp”.

Trước mắt, ông Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học 34/2018/QH14 phải loại bỏ việc cơ quan chủ quản can thiệp vào vấn đề nhân sự – tài chính – học thuật, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn thậm chí có thể dẫn tới đổ bể lộ trình tự chủ của các trường đại học. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người học, ảnh hưởng tới đào tạo nhân lực và ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam.

Vụ việc đang diễn ra về mối quan hệ đối kháng giữa cơ quan chủ quản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quyền tự chủ đại học – bao gồm tự chủ về nhân sự; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về học thuật – là ‘giọt nước tràn ly’ cho đòi hỏi đã đến lúc “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của “cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)