VNTB – Có tiếng rao như lời mẹ tôi…

VNTB – Có tiếng rao như lời mẹ tôi…

Diệp Chi

(VNTB) – Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi…

Mang quê hương trên đôi vai gầy

Những trái ổi xẻ, những trái me, đậu phộng luộc, đòn gánh tre!

Ai mua…? Ai không mua…?

Ai mua…? Chỉ có lũ trẻ…

Tý ơi! có chua không?

Tèo ơi có đắng không?

Có bao nhiêu thứ hàng rong là có bấy nhiêu tiếng rao gọi mời. Ngày nắng cũng như ngày mưa, những người phụ nữ cắp chiếc nón lá, khoác đôi quang gánh lên vai nhẫn nại đi khắp các nẻo đường, len lỏi vào từng con hẻm nhỏ cất tiếng rao quen thuộc để mời chào.

Tiếng rao hàng rong đem lại nhiều cung bậc cảm xúc, có tiếng rao nghe ấm áp vui tươi, lại có tiếng rao như thắt lại kéo dài mãi mới dứt, khách nghe lâu dần thấy thương đến lạ những tiếng rao buồn buồn như cuộc đời tần tảo của người phụ nữ xứ này.

Trong tiếng rao hàng rong mỗi vùng đất đều có những nét riêng. Nhưng dù là vùng miền nào đi nữa, những tiếng rao luôn ẩn chứa một nỗi niềm, nhất là tiếng rao của những người phụ nữ bán hàng về khuya. Hay nói cách khác, mỗi tiếng rao luôn ẩn chứa đằng sau đó một hoàn cảnh, chất chứa một phận người.

Ở Sài Gòn, chỉ cần bạn chạy xe dạo ở một số con đường thôi là cũng dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong. Hoặc chăng, mỗi khi ở trong nhà, chỉ cần nghe tiếng kêu hoặc một giọng hát vang lên, là biết như y rằng, người buôn bán hàng rong đang đi ngang nhà.

Nói thật là lúc còn con nít, tôi mê ăn tàu hủ trên mấy quanh gánh bán ngoài đường lắm. Chẳng quan tâm nhiều đến việc ngồi ăn sẽ hít khói bụi hay trong chén tàu hủ có thêm gì không, mỗi lần ở ngoài đường vang lên ba tiếng “tàu hủ đây” là y như rằng, tôi sẽ chạy ra kêu cô đừng đi, đợi tôi vào lấy tiền rồi ra đường, làm ngay hai ba chén liền.

Người bán hàng rong, theo một định nghĩa trên mạng Internet, là người bán hàng hóa dễ vận chuyển; người bán hàng rong có thể di chuyển hoặc không. Còn ký sinh như lời bình phẩm của ai đó trên sóng truyền hình quốc gia, thì theo giải thích sinh học, đó là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ.

Có thể nói, người bán hàng rong là chủ động. Họ chủ động trong mọi công việc. Họ bỏ công sức, thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hàng hóa cho một ngày buôn bán, mưu sinh. Họ biết chỗ nào bán được, khu vực đó bán chủ yếu cho ai (khách du lịch, dân địa phương, học sinh – sinh viên…). Họ không trông chờ vào việc ai sẽ cho tiền hay sống nhờ vào ai? Điều này, có vẻ như khác hoàn toàn với nghĩa ký sinh.

Chính vì thế, khi đài truyền hình quốc gia nói về những người bán hàng rong như đang sống ký sinh trên hè phố Sài Gòn là một sự xúc phạm.

Suy cho cùng, dù ăn học hay không đi chăng nữa, những người bán hàng rong cũng là con người, phải được đối xử bình đẳng như nhau. Càng không thể tự phong cho mình cái quyền hành muốn làm gì thì làm, nhất là khi Việt Nam có luật pháp hẳn hoi.

“Mình cũng không biết sao người ta có thể viết ra một bàn text như vậy để cho phát thanh viên đọc được nữa. Không biết rằng cái anh, chị biên tập viên đó học hành ở đâu ra mà có tư tưởng như vậy? Hay là trong thời gian đi học đại học, anh/ chị chưa một lần ăn các món ở các gánh hàng rong bán bao giờ? Mình nhớ lúc cấp 1 đi học, thầy cô có dạy nghề nào không trái với pháp luật cũng cao quý, có một vai trò nhất định trong cuộc sống này hết.

Ví dụ như có các cô, các bác quét rác, đường sá mới sạch, đẹp. Hàng rong cũng vậy thôi. Như sinh viên tụi mình, nghỉ giữa giờ, ra canteen ăn thì nhiều món giá cũng hơi cao. Phải tính toán chi phí, chạy ra cổng trường, mua một hộp cơm chiên 10.000 hoặc một tô cháo lòng để ăn, tiết kiệm hơn nhiều”, Ngọc – một cựu sinh viên, giờ đang là phát thanh viên, nhận xét.

“Lúc mình còn đi học đại học, đối diện trường là quán cà phê sách. Chỉ cần nhìn quy mô thôi là biết cái giá cũng không phải là thấp rồi. Mà cũng có lúc thèm cà phê chứ, hay học mấy tiết buồn ngủ cũng muốn có ly cà phê cho tỉnh, khi đó, gánh cà phê trước cổng trường là lựa chọn tuyệt nhất. Cà phê đen khi ấy có 6.000 đồng, cà phê sữa 8.000 đồng, nước cam thì 10.000 đồng. Ngồi bệt ở vỉa hè, được cô, chú bán cho một miếng bìa cứng, tha hồ nói chuyện. Mình nhớ có bữa, giáo viên bộ môn cũng ra đó ngồi uống với tụi mình luôn”, Minh – cựu sinh viên, giờ là kỹ thuật viên ‘bàn dựng’ của một kênh truyền hình chia sẻ.

“Nói thật là mình không hiểu sao mấy người đó phát ngôn như vậy được. Hay là họ có thù ghét gì với hàng rong? Chứ như hồi còn sinh viên, mình đi tiếp sức mùa thi. Có khi cơm chay ở các cụm phát, ăn đâu có no đâu.

Mình nhớ hồi đó ở trường có cô kia, bán bún, hủ tiếu xào, mỗi lần thấy sinh viên ăn không no, cô hay cho mấy hộp hủ tiếu xào ăn lắm. Dĩ nhiên là từ chối không nhận nhưng tấm lòng của cô đã làm cho tụi mình cảm động, nhận luôn. Cho nên, khi nghe phát thanh viên đọc mấy cái từ đó, mình lúc đầu ngạc nhiên, sợ rằng mình nghe nhầm. Sau đó nghe kỹ thì thấy đúng là khó chịu vô cùng. Rồi còn bao biện này nọ, người chịu trách nhiệm của đài vẫn chưa thấy ra xin lỗi luôn. Họ làm trong đài, bộ phận viết và biên tập nội dung, càng phải kỹ lưỡng ngôn từ chứ, đâu thể muốn nói gì là nói được”, một cựu sinh viên tiếp sức mùa thi của Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Như vậy đó, có thể nói, hàng rong là một nghề mưu sinh bằng chính sức lao động của mình, cho nên không thể gọi là ký sinh này nọ được. Không biết rằng, người biên tập nội dung có ác cảm như thế nào với các gánh hàng rong ở Sài Gòn mà lại có thể dùng những từ mang tính chất xúc phạm đến đau lòng người nghe đến vậy.

Con người ai cũng có lỗi – kể cả đảng viên trên cao  chót vót, song, nếu nhận được lời xin lỗi chân thành từ chính người chịu trách nhiệm cao nhất trong đài, chắc hẳn, ai rồi cũng sẵn lòng bỏ qua…

Có tiếng rao

nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao!

Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao ;

Khuất sau hàng phố cao cao.

 

Có phải chị tôi,

ra đi từ chốn quê nghèo!

Có phải mẹ anh,

bôn ba từ miền Trung xa xôi?

 

Thôi về đi anh,

về đi anh, ký túc xá giờ vắng tanh.

Tụi nó đi cả rồi, lao vào những cuộc chơi,

Chỉ còn chúng ta, nghẹn ngào chơi vơi.

 

Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi …

Mang quê hương trên đôi vai gầy,

Những trái ổi xẻ, những trái me, đậu phộng luộc, đòn gánh tre!

 

Ai mua…? Ai không mua… ?

Ai mua… ? Chỉ có lũ trẻ…

Tý ơi! có chua không?

Tèo ơi có đắng không?

(Lời nhạc phẩm “Tiếng rao”, sáng tác của Võ Thiện Thanh)

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Minh Quang Pham 4 years

    mẹ vn tha thứ!