VNTB – Công đoàn độc lập …nhà nước đã khởi động

VNTB – Công đoàn độc lập …nhà nước đã khởi động

Triệu Tử Long

(VNTB) – Có lẽ do chưa có luật về hội nên bước đầu ‘thắng thế’ là những công đoàn độc lập từ… nhà nước.

Ai là người “trên trời rơi xuống”?

Ông Đinh Xuân Thảo, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp – một tiến sĩ luật học của trường Đại học An ninh nhân dân, có ý kiến như sau về công đoàn độc lập: “Tôi cho rằng, sẽ có những thách thức nhất định. Tuy nhiên, nói về công đoàn, bản chất phải xuất phát từ việc tổ chức được hình thành ra đời bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Muốn như thế, người đứng ra thành lập một tổ chức độc lập phải là người hiểu, sâu sát với NLĐ. Tổ chức này phải xuất phát từ lợi ích NLĐ mà ra chứ không phải người ở đâu “trên trời rơi xuống”. (1)

Vì vậy, nếu tổ chức công đoàn lâu nay được thành lập thực sự vì NLĐ gắn với NLĐ, hiểu NLĐ, tổ chức này chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại. Nếu thấy những người đứng đầu tổ chức đó không đáp ứng lợi ích cho NLĐ, tự NLĐ sẽ giới thiệu ra những người gắn bó với họ, đại diện để thực hiện quyền lợi chính đáng của họ”.

Vấn đề ở đây như lời của ông Thảo, đó chính là câu chuyện của “người đứng ra thành lập một tổ chức độc lập phải là người hiểu, sâu sát với NLĐ. Tổ chức này phải xuất phát từ lợi ích NLĐ mà ra” và “Nếu thấy những người đứng đầu tổ chức đó không đáp ứng lợi ích cho NLĐ, tự NLĐ sẽ giới thiệu ra những người gắn bó với họ, đại diện để thực hiện quyền lợi chính đáng của họ”.

Nếu như có luật về quyền lập hội, thì cả 2 vế trên xem chừng giải quyết khá đơn giản. Trước tiên, những người từng là cán bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành nào đó sẽ quy tụ lại với nhau để thành lập một hội đoàn trong phạm vi hẹp về nghề nghiệp – ví dụ như “Hội những người viết báo”. Hội này sẽ đưa ra chính sách phù hợp để thu hút tất cả những ai đang làm trong tòa soạn, là cộng tác viên, là các cựu phóng viên, nhà báo đã nghỉ hưu, đã rời tờ báo ‘quốc doanh’…

“Hội những người viết báo”, như tên gọi, đó chắc chắn không phải là người ở đâu “trên trời rơi xuống” như ông Nguyễn Đình Khang người đang là Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Khang là người “trên trời rơi xuống”, vì lý lịch của ông Khang cho biết ông chưa bao giờ làm việc trong ngành công đoàn. Tương tự như ông Đinh La Thăng, xuất thân của ông Nguyễn Đình Khang là nhân viên kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, sau đó thăng tiến khá nhanh đến chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam.

Tháng 3/2014, Nguyễn Đình Khang được Ban Bí thư luân chuyển giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 15/4/2016, Nguyễn Đình Khang được Bộ Chính trị phân công thôi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang để giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 7/2019, Bộ Chính trị quyết định ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, thôi giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam để điều động tham gia Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và phân công làm Bí thư Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giới thiệu để hiệp thương làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay ông Bùi Văn Cường đã được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.(2)

Với lý lịch tóm tắt như trên, chắc chắn ông Nguyễn Đình Khang chỉ thích hợp trong vai trò là Bí thư Đảng

Đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo thuần nghĩa về phát triển công tác đảng trong đoàn viên công đoàn toàn quốc. Vị trí Chủ tịch phải là một người khác. Điều này tương tự như một cán bộ tuyên giáo chưa bao giờ làm nghề báo, không có khả năng tác nghiệp báo chí độc lập, nhưng lại được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

Trước đây, lúc mới thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ‘bề trên’ nào đó ở Bộ Chính trị đã cứ một mực ‘phân công’ ông Lê Thúc Anh làm người đứng đầu tổ chức này, trong khi ông Anh chưa bao giờ là ‘thầy cãi’, chỉ mới là một ‘luật sư tập sự’.

Từ ví dụ cụ thể về ông Nguyễn Đình Khang, cho thấy đúng như lời của ông Đinh Xuân Thảo, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cần để “tự NLĐ sẽ giới thiệu ra những người gắn bó với họ, đại diện để thực hiện quyền lợi chính đáng của họ”.

Ai sẽ là “thế lực cạnh tranh”?

Giờ chưa có luật về quyền lập hội, và tuy có một vài tổ chức xã hội dân sự bắt đầu hình thành với tên gọi liên quan “nghiệp đoàn”, song có lẽ vẫn chưa tạo được một ấn tượng gì cho NLĐ.

Một lợi thế quyền lực rất rõ ở hiện nay là tổ chức liên đoàn lao động cấp quận, huyện đã bắt đầu trong việc tập hợp NLĐ khu vực phi chính thức để thành lập các nghiệp đoàn.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM, 7 tháng đầu năm 2020, tổ chức này đã thành lập tổng cộng 20 nghiệp đoàn trong lãnh vực xe ôm công nghệ, giúp việc nhà, giáo viên mầm non, vệ sinh dân lập… với hơn 1.000 đoàn viên. Các nghiệp đoàn khi ra đời đều được công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ 3 triệu đồng làm kinh phí hoạt động ban đầu.

Từ năm 1997, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã bắt đầu tập hợp lao động tự do vào nghiệp đoàn, như nghiệp đoàn Bốc xếp chợ Mai Xuân Thưởng, nghiệp đoàn Bốc xếp phường 2 – quận 6, nghiệp đoàn Tiểu thủ công nghiệp phường 14 – quận 5, nghiệp đoàn Rác dân lập vệ sinh Gò Vấp…

Giả dụ như mai này khi có luật về quyền lập hội, nhóm lãnh đạo nào đó của Liên đoàn Lao động TP.HCM sẽ ‘tách ra’, và lập các hội đoàn tương tự như Liên đoàn Bốc xếp Sài Gòn, tập họp tất cả các bốc xếp ở chợ, ở cảng biển, cảng sông; Liên đoàn Rác dân lập vệ sinh, tập họp tất cả các tổ rác dân lập…

Với những nhân sự có kinh nghiệm này từ thời gian công tác ở Liên đoàn Lao động TP.HCM, chắc chắn sẽ tạo nên động lực cạnh tranh với những tổ chức công đoàn thuộc nhà nước. Dư địa cho những tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập còn rất nhiều.

Tại hội thảo quốc tế chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam tổ chức mới đây tại TP Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp).

Tuy nhiên, có tới 97,9% số lao động không có bảo hiểm xã hội (BHXH). Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn khu vực chính thức 30%. (3)

Ngoài việc không tham gia BHXH, theo một nghiên cứu, thì tỉ lệ lao động nữ/tổng số lao động di cư từ 15-59 tuổi là 52,4%; trong đó, 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% gặp khó khăn về chỗ ở; 79,1% tổng số lao động di cư đến từ nông thôn; 2/3 lao động di cư không có trình độ chuyên môn; lao động di cư thường làm các công việc giản đơn…

Trong khi đó, theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ở khu vực phi chính thức, lao động nữ tập trung ở những ngành nghề dễ bị tổn thương như giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu gom đồng nát… thường không tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và chưa có tổ chức đại diện để hỗ trợ, bảo vệ khi gặp phải vướng mắc trong công việc và cuộc sống.

Nhìn rộng hơn trước bối cảnh Việt Nam sẽ có một Quốc hội cho nhiệm kỳ mới vào giữa năm 2021, đó là việc lá phiếu của NLĐ với các ứng viên đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội. Bởi, nói đến công đoàn là nói đến lợi ích, quyền lợi của NLĐ. Nếu ứng viên đại biểu của cử tri thực sự đại diện quyền lợi cho họ, NLĐ sẽ ủng hộ.

Ở các nước, nhóm nghị sỹ bao giờ họ cũng đại diện cho nơi họ ứng cử và đại diện cho đảng phái. Nếu cử tri là NLĐ, công nhân nơi ứng viên đó làm việc không ủng hộ, chắc chắn cá nhân ứng viên sẽ không được bầu nữa. Cho nên, việc đứng về phía lợi ích của NLĐ là điều kiện tiên quyết, quyết định vận mệnh chính trị của ứng viên – dĩ nhiên biện luận trên là xét khi không có sự can thiệp của những nhân danh Đảng Cộng sản Việt Nam.

________________

Ghi chú:

(1) http://daidoanket.vn/cong-doan-doc-lap-cung-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong-76601.html

(2) http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dong-chi-nguyen-dinh-khang-giu-chuc-bi-thu-dang-doan-tong-ldld-viet-nam-529177.html

(3) https://nld.com.vn/cong-doan/979-lao-dong-phi-chinh-thuc-khong-co-bhxh-20171015212315737.htm

(4) https://nld.com.vn/cong-doan/thu-hut-lao-dong-phi-chinh-thuc-vao-nghiep-doan-20200809213626933.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)