VNTB – Công lý nào cho Bộ Chính trị?

VNTB – Công lý nào cho Bộ Chính trị?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Khi Bao Công ở bên Tàu xử vua về tội bất hiếu, đã phạt vua 20 trượng nhưng chỉ đánh vào long bào (áo vua) mà không đánh vào vua. 

 

Chuyện ở trên không khác với việc xét xử các quan tham nhũng ngày nay của Việt Nam. Tham ô, gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt đôi ba năm tù không bằng người dân vì đói khát ăn trộm con vịt.

Thế nhưng nếu đó là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị ở tầm cao nhất là Bộ Chính trị, thì liệu những Bao Công đời nay có dám ‘đả long bào’ ngài Tổng bí thư?

Câu trả lời rất đơn giản, chẳng liên quan chi đến ‘quân pháp bất vị thân’, vì để xử án tham nhũng liên quan ‘bể trên’, buộc phải nhận được sự đồng ý của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mà theo ‘mặc định’, ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương này luôn thuộc về Tổng bí thư.

Các lý thuyết về tư pháp độc lập mà sinh viên được học trên giảng đường đại học, chỉ đúng khi áp dụng với những quốc gia có sự cạnh tranh về quyền lực chính trị. Và cũng trên giảng đường đại học, trớ trêu thay khi sinh viên cũng tự hiểu ra rằng theo cơ chế hiện nay, và như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Hiến pháp là thể chế hoá Cương lĩnh của Đảng”. Như vậy nôm na có thể hiểu Đảng lãnh đạo Nhà nước, nghị quyết Đảng còn cao hơn pháp luật.

Và nếu làm một quy chiếu trong sắp xếp ghế quyền lực từ cấp Trung ương, có lẽ ai cũng thấy rõ rằng sẽ không thể có cả bầy sâu lúc nhúc như Lê Thanh Hải, Nguyễn Đức Chung, hay Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trần Bắc Hà, Nguyễn Văn Hiến, Đinh La Thăng… đều có chung xuất phát điểm là những nhân sự này đều được ‘cơ cấu’ từ Bộ Chính trị với người đại diện là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Con dại, cái mang. Thế nhưng cho đến nay khi đáo tụng đình, nếu tên của ông Tổng bí thư được nhắc đến ở công đường, thì đó lại là lời nài nỉ van xin được ông Nguyễn Phú Trọng ‘tha thứ’. Chính điều này cho thấy quyền lực tỷ lệ thuận với công trạng, tỷ lệ nghịch với tội, lỗi. Và cuối cùng ‘thằng dân’ là ‘thằng’ không có công trạng gì và có nhiều tội, lỗi nhất lúc đáo tụng đình.

“Đây là nguyên lý leo thang quyền lực trong cái cơ chế đó. Hôm trước, chính mình ra lệnh đến khi việc không thành thì đổ tội ngay cho bọn cấp dưới. Cơ chế nó thế. Có những việc, muốn làm ra ngô, ra khoai không khó. Làm ra nó xấu thì mình cũng xấu mặt. Thôi cứ để đấy, nó biết có tật nó khắc phải ngoan.

Mười năm, mười lăm năm moi ra vẫn chưa hết hạn. Trong thời gian đấy, bọn chúng sẽ phải biết điều vì cái án còn treo trên cổ. Dùng người có tật thì dễ bảo chứ người có nhân cách rất khó bảo. Việc gì ồn ào được một thời gian thì thiên hạ cũng phải quên…” – luật sư Tr.T., đã nhiều lần lưu ý như vậy với các luật sư tập sự ở văn phòng luật của ông tại Sài Gòn.

Vậy thì công lý nào cho người đứng đầu Bộ Chính trị?

Sở dĩ kêu gọi công lý ở đây không phải vì ‘phản động’, hay ‘tự diễn biến’ – ‘tự chuyển hóa’, mà đó là một yêu cầu của việc củng cố Đảng luôn được vững mạnh. Hơn nữa, Tổng bí thư không phải là thánh nhân, nên vẫn có thể lặp lại nhiều sai lầm trong nếp nghĩ, do vậy rất cần đến sự điều chỉnh đủ mạnh của luật pháp.

Đơn cử, lâu nay báo chí vẫn hay nhắc đến dân chủ chính trị ở Việt Nam là “Thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung hiến định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Thế nhưng nếu người đứng đầu Đảng đã có những quyết định sai lầm – như trong chuyện bổ nhiệm các chức vụ nhân sự thuộc Bộ Chính trị quản lý, vậy thì cụ thể Tổng bí thư Đảng sẽ chịu trách nhiệm gì về mặt pháp luật dân sự/ hình sự?

Bao Công còn dám đả long bào, chứ ở xứ Việt tính từ đời Tổng bí thư đầu tiên đến nay, đố ai ‘phụi bụi’ được ‘long bào’ của các ngài đó…” – luật sư Tr.T., ra thách đố đầy cắc cớ như vậy với các đồng nghiệp đang tập sự ở văn phòng luật của ông.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)