VNTB – Cứ thử rải một tờ truyền đơn xem…

VNTB – Cứ thử rải một tờ truyền đơn xem…

Hiền Vương

(VNTB) – Nhà báo Vương Thừa Bình, cựu tổng biên tập báo Long An đưa ra lời thách: “Cứ thử rải một tờ truyền đơn xem…”

Theo vị cựu tổng biên tập này, lập tức công an sẽ điều tra cấp tập và gô kẻ ấy vào nhà tù ngay, chuyện trúng trật thì hạ hồi phân giải.

Vậy đó, nhưng lại có quá nhiều vụ việc thì nhân viên công lực cứ trầy trật, làm tới, làm lui rồi đâu lại hoàn đó, như mấy vụ rải đinh trên đường quốc lộ chẳng hạn. Toàn như bắt cóc bỏ dĩa suốt mấy chục năm qua.

Vụ án đang diễn ra phiên giám đốc thẩm ở Hà Nội do đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngồi ghế chủ tọa, là một ví dụ khác cho thách thức, “cứ thử rải một tờ truyền đơn xem…”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM), chia sẻ thách thức ‘thử rải truyền đơn’, bằng một ý tứ khá bi quan: “Thực tế, như phần lớn các vụ sát nhân, thì không mấy ai có thể cho rằng mình biết rõ tội phạm là ai được cả, ngoại trừ có nhân chứng tận mắt thấy rõ diễn biến sát nhân, hoặc clip ghi âm, ghi hình giúp xác định tội phạm thì không kể.

Đôi khi, trong một số trường hợp, chính nạn nhân cũng chưa hẳn biết rõ ai là người đã ra tay thủ ác tước đoạt sinh mạng của mình? Vì thế, các điều tra viên, giám định viên tư pháp, kiểm sát viên, thẩm phán và các luật sư lại càng không thể biết. Cái “biết” được tranh cãi trong phiên tòa, cũng như cái “biết” ghi trong bản án tử hình chỉ là cái “biết” từ sự xét đoán mà thôi.

Việc điều tra tội phạm sau án mạng là việc ráp nối lại các kết quả điều tra để giúp xác định tội phạm. Việc điều tra là do con người thực hiện, con người thì không hoàn hảo, cho nên, kết quả điều tra không phải lúc nào cũng bảo đảm đúng đắn, chuẩn xác. Sự đúng sai tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Nếu trong vụ án phân công được điều tra viên giỏi nghiệp vụ, công tâm và thận trọng… thì kết quả điều tra sẽ hiệu quả, mức độ khả tín cao. Nhưng nếu điều tra viên kém, nghiệp vụ chuyên môn chỉ bao gồm sự lạm dụng quyền hạn, bức cung, nhục hình. Bên cạnh đó, bị áp lực vì thành tích thi đua, vì chỉ đạo của cấp trên hay những lý do kém minh bạch khác để đổi trắng thay đen… buộc “gấu chắp tay nhận là thỏ”, thì hậu quả gây ra án oan sai cho công dân là điều có thấy trước”.

Vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nếu nhìn vào lý lịch tư pháp của ông quan tòa này, có thể thấy rằng không mấy tin tưởng ông đủ sức làm tròn vai của một thẩm phán, chứ chưa vội nói bình phẩm khen chê. Bởi ông chánh án đó được đào tạo chuyên môn là một cán bộ điều tra án hình sự.

Ông chánh án có hàm thiếu tướng, từng ngồi đến chức phó thủ trưởng cơ quan điều tra của Bộ Công an. Sau đó, ông được điều qua làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, rồi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với bước đệm của thời gian ngắn là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi – tỉnh mà Ủy ban kiểm tra trung ương của Đảng đang vừa ‘hài’ tội của khá nhiều vị quan chức cấp cao nơi đây.

Nay trong vị thế cầm cân nảy mực cho bản án phiên giám đốc, với lần đầu tiên được ‘đánh trống – thổi kèn’ truyền thông ‘ầm ĩ’, xem ra nếu ông chánh án tự ái nghề nghiệp của một phó thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, tin rằng thách thức của nhà báo Vương Thừa Bình trong vụ huyết án xảy ra hơn 12 năm về trước ở tỉnh Long An, sẽ được lôi ra ánh sáng dù có vẻ khá muộn màng.

Và nói gì đi nữa, thì xem ra ở Việt Nam bất kỳ vụ án nào liên quan đến bảo vệ đảng chính trị, chắc chắn án ấy luôn được phá rất nhanh, và chẳng bao giờ nghe nhắc tới ‘oan án’ ở những vụ đó.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)