VNTB – Dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo: nên trách ai?

VNTB – Dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo: nên trách ai?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – ‘Sao có trường hợp dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo?’

 

Đó là thắc mắc của đại biểu Quốc hội Võ Văn Thưởng – ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – khi tiếp xúc cử tri huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai ngày 24-11.

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ tường thuật cuộc gặp này có đoạn như sau: “Trước phản ánh của cử tri về lãnh đạo địa phương còn ít tiếp công dân, ông Võ Văn Thưởng lưu ý “các đồng chí ở đây, sống muôn đời với dân thì phải giải quyết kỹ lưỡng”.

Ông Thưởng nói khi về tiếp xúc cử tri lại nghe phản ánh chuyện cán bộ thế này, thế kia. Cán bộ vi phạm phải xử nặng hơn dân, xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cần lắng nghe để giải quyết.

Nếu dân phản ánh không đúng, xác minh xong cũng cần họp dân để thông báo cho dân biết bởi kêu gọi nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên thì cũng phải công khai minh bạch, chuyện này.

Bí thư huyện Nhơn Trạch còn để dân bức xúc là chưa hoàn thành nhiệm vụ – ông Thưởng nói – Tại sao đối thoại, tiếp xúc với dân ít vậy. Dân đề nghị hết cuộc này đến cuộc khác mà không được gặp”.

Sao có trường hợp dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo? Ban thường vụ huyện phải rà lại xem cách tiếp dân cho đúng theo quy định pháp luật, xem vừa qua làm có đúng không? Chủ tịch huyện, chủ tịch xã, bí thư cấp ủy tiếp dân ra sao?” – ông Thưởng nhấn mạnh”. (*)

Báo Tuổi Trẻ tường thuật bằng việc sử dụng trích dẫn trực tiếp, cho thấy nội dung bài báo là trung thực, không có các thêm thắt mang tính suy diễn. Như vậy, nếu căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, cho thấy trước tiên là vị đại biểu có chức danh ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đã tắc trách bổn phận là một đại biểu Quốc hội, khi ông dường như chỉ chăm chăm đổ thừa mà không tử tế nhận trách nhiệm của mình.

Điều 21. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”.

Nội dung ở trên nằm trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo luật định tại điều 21 đó, thì lẽ ra diễn tiến ở buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai ngày 24-11 của đại biểu Quốc hội Võ Văn Thưởng – ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, sẽ phải thế này – những đoạn chữ nghiêng là phần soạn thêm của người viết dựa trên nội dung bản tin tường thuật trên tờ Tuổi Trẻ:

Trước phản ánh của cử tri về lãnh đạo địa phương còn ít tiếp công dân, ông Võ Văn Thưởng lưu ý “tôi hiện công tác ở Hà Nội, các đồng chí ở đây, sống muôn đời với dân thì phải giải quyết kỹ lưỡng”.

Ông Thưởng nói khi về tiếp xúc cử tri lại nghe phản ánh chuyện cán bộ thế này, thế kia. Cán bộ vi phạm phải xử nặng hơn dân, xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cần lắng nghe để giải quyết. Riêng về phần mình, trên cương vị là đại biểu Quốc hội, ông Thưởng nhận khuyết điểm trước cử tri Nhơn Trạch về việc tắc trách bổn phận của người được dân chúng tín nhiệm lá phiếu cử tri. Ông hứa là nếu sắp tới lại được là đại biểu Quốc hội, ông sẽ mở một văn phòng ngay tại Nhơn Trạch để lắng nghe trực tiếp các yêu cầu của cử tri.

Nếu dân phản ánh không đúng, xác minh xong cũng cần họp dân để thông báo cho dân biết bởi kêu gọi nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên thì cũng phải công khai minh bạch, chuyện này.

Bí thư huyện Nhơn Trạch còn để dân bức xúc là chưa hoàn thành nhiệm vụ – ông Thưởng nói – Tại sao đối thoại, tiếp xúc với dân ít vậy. Dân đề nghị hết cuộc này đến cuộc khác mà không được gặp”.

Sao có trường hợp dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo? Ban thường vụ huyện phải rà lại xem cách tiếp dân cho đúng theo quy định pháp luật, xem vừa qua làm có đúng không? Chủ tịch huyện, chủ tịch xã, bí thư cấp ủy tiếp dân ra sao?” – ông Thưởng nhấn mạnh. Ông cũng nói thêm rằng một lần nữa xin được sự lượng thứ của cử tri Nhơn Trạch khi trong vai trò là đại biểu Quốc hội, ông đã không sâu sát được tiếng nói của người dân, đưa đến trường hợp dân đăng ký cả năm trời mà không gặp được lãnh đạo…

 

__________________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/sao-co-truong-hop-dan-dang-ky-ca-nam-troi-ma-khong-gap-duoc-lanh-dao-20201124151804161.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)