VNTB- Dân oan bị đàn áp khốc liệt, ai giúp đỡ?

Hàn Giang

 Images intégrées 1
Chị Tạ Thị Oanh với vết thương sau trận đàn áp. Ảnh Thanh Quang

(VNTB) – “Bữa đó nó đánh tôi dữ lắm. Nó chửi tục tôi rồi cưỡng chế tôi lên xe đưa về phường. Nó hạch hỏi nói tôi lợi dụng tự do dân chủ đi gây rối… Nó đánh tôi xong rồi nó kêu mấy thằng khác đánh đầu, ngực tôi nữa. Về tới phường tôi đã mệt mỏi lắm rồi mà nó còn kéo tôi, vứt tôi xuống xe như con heo chết vậy đó.”, bà Đoàn Ngọc Nữ thuật lại một lần bà bị lực lượng an ninh đàn áp ở thành phố Hồ Chí Minh.       
Hàng loạt dân oan Tiền Giang phản ánh với Việt Nam Thời Báo (VNTB) về tình trạng bản thân bị bắt bớ vô cớ, bị đánh đập thậm tệ bằng những vũ lực hết sức tàn bạo của lực lượng công an, an ninh tại TP. Hồ Chí Minh như bấm huyệt, bã gãy tay… khiến những người dân oan bị thương tích đầy mình, nguy hiểm đến tính mạng. Ai giúp đỡ cho những mảnh đời dân oan như thế này?
Bị đàn áp khốc liệt

Hầu hết những dân oan Tiền Giang khi được VNTB hỏi đều có chung câu trả lời hôm “Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam 27/2/2016” là ngày mình bị lực lượng công an, an ninh TP. Hồ Chí Minh đàn áp khốc liệt nhất mà không có ngôn từ nào diễn đạt đầy đủ. 

Từ bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, chị Tạ Thị Oanh nói trong đau đớn bởi những vết thương hành hạ, chứng cứ của trận đàn áp ngày hôm ấy. Chị Oanh nói:   
Bữa ấy tôi lên đó (TP. Hồ Chí Minh) công an, an ninh nó bắt tôi, đánh tôi, đạp vào ngực tôi. Nó (công an, an ninh) còn nắm đầu tôi giật ngược… Nó bấm huyệt sao mà cái sườn tôi giờ bị móp vào (ở ngực), bầm đen… Giờ tôi đang đi khám bệnh, tiền bạc tôi xin tiền người ta để uống thuốc nếu khỏe mạnh lại tôi đi tiếp

Điạ điểm chị Oanh bị đàn áp là phía trước nhà thờ Đức Bà. Đất đai bị mất, không có nhà để ở, 5 năm đi khiếu kiện, chị Oanh bị đàn áp nhiều lần từ huyện cho đến tỉnh. Chị Oanh nói mình gia nhập đoàn dân oan đi khiếu kiện từ Tiền Giang lên Sài Gòn là để kêu cứu cho bản thân. Với lần bị đàn áp vừa rồi, chị Oanh cho rằng là dữ nhất nhưng chị không cho chồng con biết, âm thầm chịu đựng thương tích và đàn áp để tiếp tục hành trình khiếu kiện. Chị Oanh nói:          

“ Mấy ổng làm vậy đàn áp dân quá, giết dân. Tôi giấu chồng chứ đâu dám nói vì để đi nữa… Tôi đi dân oan đặng kêu cứu cho tôi. Tôi không có nhà, không có miếng đất để ở mà ở đó (chính quyền) đàn áp tôi… Đất đai của cha tôi để lại mà lấy chia cho người ta, tôi ấm ức thấy mình oan sai quá. ”

Một dân oan khác cũng bị đàn áp nặng nề không kém chị Oanh là bà Đoàn Ngọc Nữ (57 tuổi). Từ Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh, tạm trú tại chùa Liên Trì để chờ đợi đồng hành cùng các dân oan ở các tỉnh phía Nam hưởng ứng ngày “Quốc tế đồng hành cùng dân oan 27/2/2016”, bà Nữ đã bị lực lượng an ninh, công an đông đảo vô cớ bắt giữ, đánh đập và dẫn giải về công an phường An Khánh, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Bà Nữ xác nhận số người đánh bà có số mặc đồng phục ngồi trên xe 113 (cảnh sát 113) và một số mặt thường phục. Họ đã chửi tục với bà, nói bà lợi dụng tự do dân chủ đi gây rối và xử với bà như con vật.

Bữa đó nó đánh tôi dữ lắm. Nó chửi tục tôi rồi cưỡng chế tôi lên xe đưa về phường. Nó hoạch hỏi nói tôi lợi dụng tự do dân chủ đi gây rối. Tôi không chịu. Tôi lên chùa, mấy ông lấy quyền gì mà bắt tôi. Tôi bỏ đi ra ngoài. Nó đánh tôi xong rồi nó kêu mấy thằng khác đánh đầu,ngực tôi nữa. Về tới phường tôi đã mệt mỏi lắm rồi mà nó còn kéo tôi, vứt tôi xuống xe như con heo chết vậy đó.”  
  
Tình trạng bị đàn áp của bà Nữ hay chị Oanh theo VNTB nhận thấy vẫn chưa thể là trường hợp nặng nề nhất. Người bị đàn áp và để lại thương tích nặng nề, rõ ràng nhất của ngày hôm ấy là bà Lê Thị Kim Em (sinh năm 1946). Bà Em cũng như bà Nữ, từ Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh, tạm trú tại chùa Liên Trì và cũng bị bắt vô cớ, dẫn giải về công an phường An Khánh, quận 2. Bà Em nói những kẻ hành xử tàn bạo với bà bằng “nó” và thuật lại cuộc đàn áp:

Bữa đó tôi lên chùa trước một bữa, sáng thì tôi đi ra đặng tham gia cái lễ đồng hành cùng dân oan. Tôi vừa đi ra là công an bố ráp kêu tôi lên xe. Tôi nói tôi lên xe để làm gì? Tôi có kêu taxi. Mấy ổng nói không được. Bây giờ tụi tôi phải đem bà về phường cho tới chiều mới thả bà ra. Tôi nói không có được. Tôi là dân hợp pháp tại sao mấy ông làm gì kỳ vậy? Mấy ổng không nói không rằng kéo tôi về phường An Khánh, quận 2 rồi thả tôi xuống. Nó kéo tôi vào phường nhưng tôi không chịu. Nó nắm tay tôi bẻ gập xuống. Tôi kêu lên trời ơi trời thì tụi nó nắm tay tôi cùng cái cùi trỏ bẻ ngược lên khiến đầu tôi gập xuống rồi đẩy vào phường nhốt tôi. Tôi thấy tay nhức quá nên la lên. Nó đưa tôi đi bệnh viện chụp phim. Tôi bị gãy tay.”

Images intégrées 2
Bà Lê Thị Kim Em bị bẻ gãy tay, trở về sau khi bó bột.

Ngoài vết thương ở tay chưa lành, bà Em còn bị thêm căn bệnh tim do gia cảnh nghèo khó chung của những thân phận dân oan nên bà Em phải chạy vay chạy mượn tiền bạc khắp nơi để chữa thương tích.

Hai lần hiến đất (một là để đào kinh, một là để làm đường nông thôn), giờ đất làm tỉnh lộ mà theo tôi biết đất làm tỉnh lộ thì được bồi thường hết nhưng nó không bồi thường cho tôi. Nó nói Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tôi nói không có. Tất cả hồ sơ của tôi đều phải bồi thường, giờ mấy ổng nói trả đất lại cho tôi nhưng hơn 6 năm qua mấy ông nói vậy mà không có làm”, lời của bà Em.

Với 7 năm đi khiếu kiện, bị đàn áp mấy lần nhưng bà Em nói mình không từ bỏ con đường đi khiếu kiện cho đến khi nào chính quyền chịu giải quyết đúng pháp luật mới thôi. Trong khi đó, trường hợp đi khiếu kiện của bà Nữ lại có thời gian (18 năm) dài đằng đẵng mà chưa biết khi nào mới biết kết thúc. Bà Nữ nói việc đi khiếu kiện đòi đất đai của mình có giấy tờ đầy đủ, minh bạch nhưng cách giải quyết của chính quyền là cứ đá qua đá lại rồi giải quyết theo ý của chính quyền rồi chính quyền còn đưa lực lượng ra đàn áp nhiều lần lẫn cả việc thu giữ tài sản.

Bị nó bắt và đánh bốn, năm lần rồi. Có hai lần bị nặng, mấy lần kia nó cũng đánh nhưng nhẹ hơn. Nó đánh tôi, tôi đưa điện thoại quay phim thì nó giựt và lấy máy luôn . Nó nói tạm giữ mà giờ chưa thấy trả… Tôi sẽ đi tiếp. Nếu tôi không đi thì bọn nó nói tôi sợ. Cỡ nào tôi cũng đi”, lời khẳng định của Nữ.
Nỗi lòng này ai giúp đỡ…?
Tình trạng chị Oanh, bà Nữ và bà Em là những dân Tiền Giang trong những lần đi khiếu kiện đất đai, đòi tài sản gia đình hay cùng nhau xuống đường đồng hành đòi công lý, công bằng, đòi chính quyền phải tôn trọng Nhân quyền rồi bị đàn áp cũng chính là thực trạng chung của tất cả dân oan Việt Nam. Người dân oan Việt Nam phải chịu cái thống khổ của bao nhiêu tròng áp bức bóc lột từ địa phương cho đến trung ương, từ quan chức cấp thấp cho đến quan chức cấp cao, từ những cá nhân cho đến những tập đoàn lợi ích kinh tế… Mức độ bị áp bức bóc lột của người dân oan Việt Nam dường như tăng giảm tỷ lệ thuận với những công trình, dự án mà chính quyền cho là trọng điểm, là tầm nhìn chiến lược để phát triển xã hội. Có nghĩa là, ở Việt Nam đa phần những công trình, dự án góp phần đi lên của xã hội đều gắn liền với nỗi đau, là nước mắt và máu của những người dân oan.

Là người luôn quan tâm đến tình hình dân oan bị đàn áp, chị Thúy Nga đưa ra nhận xét chung về tình cảnh dân oan Việt Nam:

“Tình cảnh chung của dân oan Việt Nam là chính quyền ngày càng đàn áp, ngày càng tàn nhẫn với người dân oan. Trong khi dân oan họ đi khiếu kiện lại có đủ bằng chứng nhưng chính quyền lại tỏ làm ngơ… Người dân oan bị xâm phạm quyền con người nghiêm trọng nhất trong tất cả thành phần dân Việt Nam như bị thu hồi đất đai, phá hủy nhà cửa tài sản, khi đi khiếu kiện thì bị dùng bạo lực, đánh đập thường xuyên,…”  

Cứ như vậy, tiếng khóc thảm thiết của người dân oan Việt Nam vẫn cứ chảy trước những thành công của những cá nhân lợi ích hoặc là của chính quyền. Người dân oan Việt Nam chỉ mong muốn những điều nhỏ nhoi, thiết thực là có lại những cái gì mà họ vốn có.   
    
 “Mong muốn người dân khắp nơi giúp để tôi tiếp tục đi khiếu kiện. Còn với chính quyền tôi mong muốn trả đất đai lại cho tôi, đất đai do cha tôi để lại đặng có nhà sinh sống và thờ cúng cha ông

“Tôi nói thiệt, giờ có ở tù tôi cũng chịu. Trả lại tự do cho tôi, không lấy đất của dân, không đánh đập dân. Ước muốn của tôi sớm có một ngày được hưởng những giây phút như hồi nhỏ tôi đã hưởng. Tôi nói với an ninh: giờ tôi già rồi, sống nay chết mai đằng nào cũng chết nhưng chết như thế nào gọi là chết.”

Tôi cũng mong muốn người dân trong và ngoài nước giúp đỡ tôi để tôi lấy lại quyền lợi cho người dân Việt Nam, cái gì của dân trả lại cho dân, của tôi trả lại cho tôi.”

Đó là những mong muốn của chị Tạ Thị Oanh, bà Đoàn Ngọc Nữ và bà Lê Thị Kim Em để chấp dứt thân phận dân oan của mình nhưng liệu có ai giúp được? Không thể trông cậy vào lòng từ bi, xem xét lại cách giải quyết từ phía chính quyền. Người dân oan Việt Nam chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người dân Việt Nam, trông chờ vào sự giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ.

“Những người muốn giúp đỡ dân oan đỡ bị công an (lực lượng an ninh nói chung) hành hung, đánh đập, vi phạm nhân quyền thì những người dân Việt Nam cũng như quốc tế cần có động thái lên tiếng mạnh mẽ hơn, trực tiếp bày tỏ chính kiến, nhận định của mình trước việc chính quyền đàn áp dân oan, bảo vệ dân oan. Đây cũng là những hình thức yêu cầu chính quyền dừng tội ác với dân oan”, lời chia sẻ của chị Thúy Nga.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)