VNTB – Đằng sau phản ứng COVID-19, Việt Nam nghi ngờ Trung Quốc

VNTB – Đằng sau phản ứng  COVID-19, Việt Nam nghi ngờ Trung Quốc

Quỳnh Giao 

(VNTB) – Mặc dù có hợp tác y tế công, các nhà phân tích nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không mấy tin tưởng vào đối tác Trung Quốc. 

Quyết định quyết liệt

Ngày 1 tháng 2, Việt Nam quyết định huỷ bỏ Tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao vì e ngại về dịch bệnh. Trước đó 3 ngày Việt Nam cũng đã quyết định ngừng cấp thị thực du lịch cho ba nơi này. tờ Diplomat đưa tin. 

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tạm dừng các toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc, chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố thắt chặt hạn chế đi lại từ Trung Quốc. Cùng ngày hôm đó Việt Nam cũng cho đóng cửa biên giới.

Khi chưa có quá 10 ca nhiễm, từ ngày 3 tháng 2, Việt nam đã cho học sinh nghỉ học tiếp tục sau khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán kết thúc cho đến tận tháng 5.

Đến giữa tháng 4, lây nhiễm cộng đồng rõ ràng đã ngưng lại. Tính đến ngày 14 tháng 5, Việt Nam đã ghi nhận 29 ngày liên tiếp không có ca lây truyền trong nước. Việt Nam hiện có tổng cộng 288 ca nhiễm COVID-19 mà không có tử vong.

Thành công của Việt Nam trong phản ứng dịch bệnh được cho là nhờ vào hành động kịp thời, kinh nghiệm từ dịch SARS, và kinh nghiệm vận động quần chúng.

Hiểu rõ đảng anh

Những người hiểu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định rằng họ hiểu rõ, và rất không tin tưởng đảng anh.

Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và là một cựu đảng viên trung thành cho biết “gần như chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không yên tâm với những báo cáo lạc quan của Trung Quốc về nguy cơ đại dịch.”

Ông Quang A cho rằng với sự tương đồng về cơ cấu tổ chức và thường có các hoạt động trao đổi-hợp tác nên “các quan chức Việt Nam hiểu rõ ẩn ý đằng sau những thông báo và quyết định chính sách của Trung Quốc’ vì họ đã có nhiều bài học từ đảng anh.

Láng giềng đồng ý thức hệ, đối thủ địa chính trị gay gắt

Dù có đồng ý thức hệ, là đối tác thương mại lớn nhưng người Việt Nam xem Trung Quốc là kẻ thù từ hàng ngàn năm.

Ông Nguyễn Tiên Lập, cựu đảng viên ở Hà Nội nhận xét cả chính phủ lẫn người dân Việt nam đều hiểu rõ Trung Quốc và không tin tưởng vào những tuyên bố dịch bệnh của lãnh đạo Trung Quốc. Ông cũng cho rằng cần phải độc lập để có thể bảo vệ người dân khi cần.

Trung Quốc đã tỏ vẻ phẫn nộ và muốn Việt Nam tháo dỡ lệnh cấm càng sớm càng tốt. Trong khi đó Hoàn Cầu Thời Báo cáo buộc Việt Nam đã ra lệnh “phong tỏa” với Trung Quốc trong những ngày đầu xảy ra đại dịch “phù hợp với các động thái của Hoa Kỳ”.

Công ty an ninh mạng tại Hoa Kỳ FireEye tiết lộ tình báo Việt Nam thậm chí có thể đã tấn công mạng Trung Quốc hồi tháng Giêng để tìm kiếm thông tin về dịch bệnh. APT32 được cho là đã tấn công vào Bộ quản lý khẩn cấp của Trung Quốc vào ngày 6 tháng 1 cũng như chính quyền tỉnh Vũ Hán.

Mặc dù Hà Nội phủ nhận điều này, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và chuyên gia về các vấn đề quốc phòng của Việt Nam, cho biết các cuộc tấn công này nằm trong khả năng của Đội tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ông nói “ không thể tin được là Đội tác chiến không gian mạng không có khả năng tấn công máy tính của chính phủ Trung quốc” và “không có lý nào tại sao Việt Nam không biết gì từ nhân viên tình báo hay thông qua theo dõi mạng tiếng Trung.”

Tiến về phía trước

Việt Nam đã không chỉ trích Trung Quốc như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hoặc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mà gởi đi thông điệp tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam về các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt và huy động toàn quốc để dập dịch.

David Koh, cựu thành viên của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nói rằng Việt Nam không phải là một quốc gia duy nhất không tin vào số liệu dịch bệnh của Trung Quốc dù họ không công khai tuyên bố. Thay vào đó thì Việt Nam bám vào những điểm tích cực.

Ông Thayer nhận định tuy Việt nam và Trung Quốc hợp tác chống dịch nhưng lại là đối thủ địa chính trị ở Biển Đông.

Ngày 3 tháng 4, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc cố tình đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Trung Quốc thì lại cho rằng tàu Việt Nam đã đâm vào tàu hải cảnh.

Cuối tháng 4, Trung Quốc tiến hành đặt tên cho khoảng 80 thực thể ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả các rạn san hô chìm đồng thời thành lập hai quận hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Báo chí ở cả hai nước đã cáo buộc lẫn nhau về việc lợi dụng dịch COVID-19 để đánh lạc hướng các tuyên bố hàng hải ở Biển Đông.

Ông Lê Đăng Doanh, từng là cố vấn kinh tế cho năm thủ tướng Việt Nam nhận định tính toán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất phức tạp. Một mặt thì tích cực giao thương song phương, mặt khác thì Trung Quốc lại “tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các cuộc tuần tra trên biển.”

Ông Thayer nhận xét dù là với COVID-19 thì Việt Nam hợp tác chống dịch vì e ngại ảnh hưởng kinh tế hay xã hội Việt Nam và cũng để thể hiện vai trò chủ tịch ASEAN trong phản ứng khu vực đối với dịch bệnh. Nhưng về vấn đề Biển Đông thì Việt Nam đang đấu tranh chống lại Trung Quốc.

Nguồn: https://thediplomat.com/2020/05/behind-vietnams-covid-19-response-deep-distrust-of-china/?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)