VNTB – Đi giao sách của NXB Tự Do là vi phạm vào điều cấm nào về hình sự?

VNTB – Đi giao sách của NXB Tự Do là vi phạm vào điều cấm nào về hình sự?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Căn cứ vào Luật Xuất bản số 28/VBHN-VPQH, văn bản được xác thực hợp nhất bởi ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (*), thì đi giao sách của một nhà xuất bản không chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản số 28/VBHN-VPQH, chưa thể xác định là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Nhà xuất bản Tự Do là một tổ chức phi lợi nhuận, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin. Họ xác định trên trang fanpage chính thức rằng “hoạt động độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và cho tặng miễn phí” – https://www.facebook.com/NhaxuatbanTuDo/.

Luật Xuất bản, ở Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, có quy định:

“1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và Nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;

b) Thay đổi, làm sai lệch nôi dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;

c) In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;

d) Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;

đ) Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;

e) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật”.

Nhà xuất bản Tự Do được thành lập không theo quy định về thủ tục hành chính của Luật Xuất bản. Theo luật hiện hành ở Việt Nam, việc in ấn sách bắt buộc phải có thủ tục hợp lệ về giấy phép. Nếu một khi nhà xuất bản Tự Do đã không thành lập theo bộ thủ tục hành chính của Luật Xuất bản, thì chắc chắn trong in ấn khó thể thực hiện theo trình tự hành chính quen thuộc.

Như vậy để trả lời loạt câu hỏi ở trên, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Việc đi giao hàng hóa là sách của nhà xuất bản Tự Do, không thể đánh đồng là đang vận chuyển hàng cấm, hàng không được phép lưu hành trên thị trường.

Cá nhân người viết cho rằng nếu nhà xuất bản Tự Do làm sách lậu, sách giả thì đúng là sẽ hủy diệt xuất bản Việt Nam, dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự. Đàng này vì Luật Xuất bản của Việt Nam tiếp tục chỉ chấp nhận giới tư nhân liên kết với các nhà xuất bản ‘quốc doanh’, và khâu xét duyệt nội dung bản thảo lại tiếp tục theo hướng chính trị hóa mọi vấn đề, theo hướng ‘nhìn đâu cũng thấy vi trùng’ đe dọa sự tồn vong của đảng chính trị, nên đã ít nhiều giới hạn sự tự do học thuật, tự do tư tưởng.

Nhà xuất bản Tự Do đang muốn thoát cái vòng kim cô đó trong việc chọn lựa in sách, phát hành sách.

Tự do xuất bản tự do báo chí ở Việt Nam không phải là cái gì đó đòi hỏi quá xa vời, vì hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hình thành và phát triển đảng chính trị đã qua cái tuổi 90, thì sao lại cứ ngại ngần không dám đi cùng bước quen thuộc với những quốc gia trên toàn cầu – dĩ nhiên là ngoại trừ một số quốc gia vẫn trung thành kiểu khép kín về báo chí như Triều Tiên, Trung Quốc…

  Ngày thứ sáu 08/5 vừa qua, lực lượng an ninh Bộ Công an một lần nữa đã giăng bẫy và bắt sống một shipper ở Sài Gòn, Phùng Thủy, khi anh này đang đi giao sách của NXB Tự Do.


Chúng giải anh về văn phòng phía nam của Bộ Công an, tại số 235 Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP.HCM), thẩm vấn và tra tấn anh suốt từ 9h sáng đến đêm. Các câu hỏi chỉ xoay quanh nhân sự và hoạt động của NXB Tự Do.


– Mày có quan hệ thế nào với con Đoan Trang?
– Chúng tôi là bạn bè.
– Bạn bè sao lại làm cho nó? Mày làm thuê cho NXB của nó phải không?
– Tôi là shipper, ai mướn thì chạy. Tôi không làm cho NXB nào cả.
– Con Trang ở đâu?
– Không biết.
– Không biết này! (…) Con Trang ở đâu?
– Không biết.
– Không biết này! (…) Môn là ai?
– Tôi không biết Môn nào cả.
– Không biết này! (…) Chúng mày giấu nó ở đâu?
– Không biết.
– Không biết này! (…)


Cứ sau mỗi câu hỏi, hoặc sau mỗi từ “không biết”, là những quả đấm móc vào ngực vào bụng, những cú bấm huyệt, và giẫm, xiết vào ngón chân cái của anh.


Tới nửa đêm thì anh Phùng Thủy đã kiệt sức. Người nhà mang thuốc đến, chúng giữ luôn cả xe máy của người nhà, không quên ép anh ký cam kết “được đối xử tử tế, không bị tra tấn, đánh đập trong lúc làm việc”.


3h sáng, khi anh Phùng Thủy tụt huyết áp một lần nữa, chúng “cho phép” anh gọi người nhà xin thuốc lần thứ hai. Người nhà vừa tới, đang ngơ ngác ở cổng Bộ Công an thì anh lao ra, giằng lấy xe máy của họ (chiếc xe máy cuối cùng), bỏ chạy. Công an đuổi theo, một màn rượt đuổi kinh khủng diễn ra giữa đêm. Cuối cùng, anh thoát khỏi tay bọn chúng trong tình trạng tả tơi, bầm dập, hai ngón chân cái tê dại. Hai xe máy (của anh và người nhà), điện thoại, tiền bạc, giấy tờ, đương nhiên cả sách, bị lột sạch, không còn gì. Anh vẫn sống. Nhưng số phận của người nhà anh thì không biết sẽ ra sao.

(Facebook Page Nhà Xuất Bản Tự Do)

____________

Chú thích:

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Van-ban-hop-nhat-28-VBHN-VPQH-2018-Luat-Xuat-ban-410303.aspx

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)