VNTB – Doanh nghiệp đang sợ báo chí cách mạng!

VNTB – Doanh nghiệp đang sợ báo chí cách mạng!

Ghi chép của Thới Bình

(VNTB) – “Hóa ra báo chí cách mạng cũng có thể dễ dàng mua được bằng tiền!”

Ở Việt Nam chỉ có báo chí của Đảng – Nhà nước, do vậy thật trớ trêu khi có nhiều chủ doanh nghiệp kể là họ sợ mấy ông, bà nhà báo dữ lắm…

Tại một cuộc hội thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khá nhiều doanh nghiệp đã phàn nàn về những tiêu cực của báo chí cách mạng, như sự thiếu tích cực của báo chí, thông tin không chính xác…, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây có thể là “lỗi” về mặt nhận thức thuần túy, về chuyên môn do nắm bắt thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác.

Nhưng – nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng, cũng có một nguyên nhân khác, đó là do bản thân nhà báo khi đến doanh nghiệp với động cơ không trong sáng, vụ lợi. Tuy nhiên, đôi khi sai phạm của nhà báo cũng bắt nguồn từ động cơ của chính doanh nghiệp. Bởi một số doanh nghiệp mượn báo chí để nhằm vào những điểm yếu của đối thủ cạnh tranh…

“Hóa ra báo chí cách mạng cũng có thể dễ dàng mua được bằng tiền!”

Một vài chủ doanh nghiệp chắt lưỡi mai mỉa như vậy, và còn ‘chua’ thêm rằng nếu đó không phải là đóng mác của ‘báo chí cách mạng’, thì chắc chắn giới chủ doanh nghiệp với đội ngũ luật sư làm trợ lý, sẽ chẳng chút ngần ngại gì mà không lôi mấy tay nhà báo lẫn tòa soạn báo kiểu này ra hầu tòa.

“Thử nghĩ, cứ sắp vào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày Thương binh – liệt sỹ, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…, là luôn có mấy ông, bà nhà báo từ những tòa soạn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao, của báo Thanh Tra, báo Quốc hội… gọi điện mời tham gia quảng cáo chào mừng mấy ngày lễ kỷ niệm cách mạng đó.

Làm sao từ chối vì người mời cũng ‘đóng mác’ nhà báo cách mạng?” – một chủ doanh nghiệp xuất thân là sinh viên trường luật, nói thêm rằng thật ra cũng thông cảm, vì phần trăm hoa hồng từ hợp đồng đăng quảng cáo thường lên tới hàng triệu đồng – “Không ai làm cách mạng dẫu chuyên chính vô sản đến đâu đi nữa, mà không cần đến tiền cả đâu!”.

Cuộc sống của doanh nghiệp vô vàn khó khăn, họ ngại khi báo chí cách mạng nói không đúng, không hết về họ; và cũng bởi báo chí cách mạng thường phản ánh những tiêu cực nhiều hơn tích cực về họ. Hơn thế, một khi đã đóng dấu là ‘báo chí cách mạng’ thì trong nếp nghĩ, ít ai dám ‘đụng’ tới mấy ‘nhà báo cách mạng’ đang nhân danh quyền lực tối thượng đó qua hai từ ‘cách mạng’.

Một chủ doanh nghiệp ‘khéo miệng’ hơn, khi phát biểu ý kiến kiểu dĩ hòa – vi quý thế này với những ai nhân danh cho cái gọi là ‘nhà báo cách mạng’:

“Trong bối cảnh xã hội hiện đại, trước một bầu thông tin rất lớn từ báo chí chính thống, các mạng xã hội… nhưng tiếng nói từ báo chí chính thức lúc nào cũng quan trọng, đưa những thông tin một cách có trách nhiệm. Và đó chính là những thông tin tham khảo, định hướng quan trọng của doanh nghiệp.

Báo chí chính là diễn đàn của doanh nghiệp, qua báo chí môi trường kinh doanh của nền kinh tế được phản ánh, là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Báo chí cũng là kênh để các doanh nghiệp kết nối với nhau, quảng bá hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp. Thậm chí báo chí là người thầy cho doanh nghiệp.

Không phải những lúc vui báo chí mới chia sẻ cùng doanh nghiệp mà ngay cả khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn báo chí cũng vẫn đồng hành, giống như bầu khí quyển của doanh nghiệp.

Do đó, tôi ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề quy hoạch báo chí nhằm xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp. Song dù vậy, báo chí cũng cần có vai trò phản biện, dũng cảm nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, có tính chất xây dựng. Điều này cũng nói lên trách nhiệm xã hội, chính trị của báo chí là vô cùng quan trọng”.

Một chủ doanh nhân khác lại đưa ra một thách thức: “Kinh tế tư nhân làm ăn sòng phẳng, vậy sao không cho tư nhân bỏ vốn vào làm báo tư nhân? Luật Doanh nghiệp không có điều khoản nào hạn chế về quyền được đầu tư sản xuất báo chí, song trên thực tế thì tư nhân chỉ được quyền hùn hạp với tòa soạn báo chí nhà nước trong vài công đoạn nào đó mà họ cần đến nhiều đồng vốn của tư nhân, còn lại thì họ vẫn là độc quyền…”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)