VNTB – Đồng Tâm: cùng ngồi xuống và đối thoại

VNTB – Đồng Tâm: cùng ngồi xuống và đối thoại

Hữu Sự

 

(VNTB) – Đồng Tâm không phải là khó giải quyết nếu chính quyền từ bỏ cái tôi “luôn luôn đúng” trong xử lý vụ việc. Đặt đối thoại lên hàng đầu để tinh thần pháp luật dựa trên minh bạch và công lý được xuất hiện. 

 

Đồng Tâm không phải là chủ đề để tranh cãi ai thắng và ai thua. Đó là câu chuyện về việc có nên hay là không trong điều động hàng ngàn chiến sĩ trấn áp vào rạng sáng nhằm bắt giữ những người nông dân.

Nếu nông dân là tội phạm, thì họ cần được đối xử theo quy trình của Bộ luật tố tụng hình sự đã nêu ra.

Cho đến nay, người thân và cộng đồng quan tâm đến Đồng Tâm vẫn đang tiếp tục hành xử theo pháp luật hiện hành. Nếu cho rằng các thư ngỏ, tuyên bố, bài viết, thậm chí đơn từ khiếu nại, tố giác tội phạm là nhằm mục đích “bôi nhọ, chống phá nhà nước” thì cần phải chứng minh điều đó qua các quan điểm, dựa trên các điều khoản luật pháp thay vì dung dưỡng tinh thần “quyền lực nhà nước luôn luôn đúng.”

Nếu tinh thần là thế, thì công lý sẽ bị triệt tiêu.

Kêu gọi một cuộc điều tra độc lập trong sự kiện Đồng Tâm ngày 9 tháng 1, không nhằm đối lập với quyền lực nhà nước mà thực ra đó là quy trình kiểm soát quyền lực nhà nước. Chỉ ra những điểm sai, cần khắc phục trong giải quyết vấn đề đất đai, tránh các thảm trạng như đã xảy ra với người dân Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội như thời gian qua.

Người nông dân họ đề cập đến lý lẽ, thực thi công bình. Giới trí thức nhấn mạnh pháp quyền trong xử lý vấn đề Đồng Tâm. Thế nên chính quyền cũng cần xử sự trên tinh thần đó.

Nếu chỉ là thắng và thua, chính quyền có thể dễ dàng bố ráp, trấn áp, triệt tiêu hoàn toàn tiếng nói chỉ trong một đêm. Nhưng làm như thế để nhận lại được gì, khi chính danh của một nhà nước, mối liên kết giữa nhà nước với người dân sẽ hoàn toàn bị cắt đứt vĩnh viễn từ đó.

Mất dân là mất tất cả. Nhà nước có một bộ máy tuyên truyền đủ sức để lên án, áp đặt, chụp mũ bất kỳ “đối tượng” nào nếu chính quyền muốn. Thế nhưng như đề cập ở trên, làm thế để làm gì?

Chính quyền không phải lúc nào cũng đúng. Hiệu ứng cánh bướm (domino) từ một sự kiện tranh chấp dẫn đến khủng hoảng chính trị về sau không phải là chuyện viễn tưởng. Do đó, khôn ngoan, khéo léo hành xử trong Đồng Tâm không phải bằng một giọng điệu tuyên truyền nhằm bào chữa cho quyết định, cũng không phải bằng lực lượng công an và nhà tù, mà phải xuất phát từ đối thoại và công nhận đối thoại.

Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sự kiện tranh chấp Đồng Tâm là do chính quyền địa phương làm sai pháp luật. Đáng lý ra, trong ba năm tiếp theo phải xử lý dựa trên cái nhìn thẳng thắn, dũng cảm đó. Thế nhưng tối ngày 9 tháng 1 đã dập tắt điều đó.

Hiện nay, báo đài thuộc cơ quan đảng, các tổ chức cấp Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) vẫn xem quyết định ngày 9 tháng 1 là quyết định đúng đắn, hợp thời, đúng pháp luật. Điều động lực lượng công an về gỡ cửa, khám nhà, triệu tập vợ cụ Kình lên làm việc trong thời gian tang chế, đe doạ xử lý những ai đăng tin bài, ủng hộ tiền cho mất mát của người dân Đồng Tâm,… là những hành vi đáng ra không nên được tiến hành, bởi điều này vô hình chung càng khiến cho sự kiện Đồng Tâm ngày càng khó xử lý.

Trong khi đó, trấn áp tinh thần không làm cho những người trong cuộc như bà Nguyễn Thuý Hạnh, anh Trịnh Bá Phương sợ hãi, mà càng khiến họ đôn đốc thêm nỗi căm phẫn. Khiến quá trình đối thoại càng khó trở nên tiếp cận.

Đồng Tâm không phải là khó giải quyết nếu chính quyền từ bỏ cái tôi “luôn luôn đúng” trong xử lý vụ việc. Đặt đối thoại lên hàng đầu để tinh thần pháp luật dựa trên minh bạch và công lý được xuất hiện. Chỉ khi đó, mối bất hoà giữa dân và chính quyền mới được giải quyết theo hướng tốt nhất có thể, tránh hiện tượng “đóm lửa tàn” thổi bùng “ngọn lửa lớn” trong tương lai.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)