VNTB – EVFTA 401-192-40

VNTB – EVFTA 401-192-40

Diễm Thi

(VNTB) – 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng.

EVFTA, hiệp định thương mại tự do đượNghị viện Liên Âu chính thức thông qua.

 

Chúc mừng Việt Nam

Chúc mừng nhà nước Việt Nam và những người đã ủng hộ thông qua Hiệp định lần này. Đây là quả ngọt sau 10 năm, cả hai bên thương thảo, rà soát, chỉnh đổi các vấn đề để đi đến đồng thuận.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên Facebook cá nhân bày tỏ, Liên Âu phê chuẩn với số phiếu cao đã cho thấy: Thế lực muốn phá EVFTA trong ĐCSVN đã thất bại!

Tiến sĩ Quang A là người tin rằng, khi EVFTA được thông qua sẽ có những ràng buộc nhân quyền nhiều hơn, và EVFTA sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc.

Hiệp định được thông qua là điều được dự đoán trước, nhiều bài viết trên Việt Nam Thời Báo cũng đề cập đến các yếu tố giúp cho EVFTA đi đến ‘quả ngọt’, bất chấp những ‘trục trặc kỹ thuật’ về nhân quyền.

Thực tế, chính những Nghị sĩ Liên Âu phản đối EVFTA cũng đề cập chính xác yếu tố trợ giúp thông qua.

Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị.” – Nghị sĩ Heidi Hautala, Điều phối viên đảng Xanh/Liên Âu trong Ủy ban thương mại quốc tế tại Nghị viện châu Âu nhận xét.

Không chỉ có lợi ích thương mại, mà cả vấn đề liên quan đến lợi ích hàng hải Biển Đông mà EU đang bắt đầu chú ý sát sâu hơn trong những năm gần đây, sau những trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường thương mại này.

EVFTA được thông qua tạo một điểm sáng về nhiều mặt, cả chính trị đối với một số chính trị gia, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về cả mặt ‘thoát phụ thuộc Trung Quốc’ như nhiều người kỳ vọng. Và cho thấy một nền kinh tế hội nhập hơn trong tương lai.

 

Nhân quyền về đâu?

Bên cạnh 402 phiếu thuận, thì có 192 phiếu chống.

192 này, cùng với phản ứng của Đảng Xanh đã cho thấy một sự quan tâm rất lớn từ nhóm nghị sĩ Liên Âu đến với tình hình nhân quyền Việt Nam. Chưa kể hơn 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước lên tiếng về Hiệp định này vào ngày 4-2-2020, và cho tới ngày 11/2/2020 đã có tới 68 tổ chức phi chính phủ lên tiếng (theo AFP).

Với sự phản ứng nhân quyền lần này, nhà nước Việt Nam liệu có cẩn trọng (kiêng dè) hơn trong thực thi nhân quyền thực chất trong nước theo đúng các cam kết đề ra, không chỉ dừng ở các thoả thuận trong EVFTA, mà bao gồm cả các công ước nhân quyền trước đó?

Dù sao đi nữa, sự phản ứng lớn của nhóm tổ chức phi chính phủ trong tháng 2 lần này cho thấy, nếu các hội đoàn dân sự trong nước nghiêm túc hơn trong rà soát và phản ứng với các vấn đề nhân quyền trong nước, thì có thể sử dụng tốt quy định, ‘trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ’.

Nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE (theo RFI tiếng Việt) giải toả những lo lắng về nhân quyền sau khi hoàn tất Hiệp định ngày 12-2, theo đó: Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát. 

Nhưng ‘cơ chế’ nêu trên chỉ thành hiện thực nếu như bản thân các hội đoàn dân sự trong nước độc lập, tự chủ và thực sự trơn tru trong cùng nhau tương tác với phía Liên Âu trong tương lai. Còn ngược lại, đó chỉ là một chế tài rỗng.

Câu chuyện sẽ trở nên rắc rối hơn, liệu các tù nhân nằm trong mục ‘an ninh quốc gia’ có nằm trong phản ứng đối với Liên Âu? Điều này chưa thực sự rõ ràng, có lẽ cần thêm một sự giải thích, làm rõ từ những người ủng hộ ‘phê chuẩn trước, nhân quyền sau’ với nhóm câu hỏi: chế tài nhân quyền trong EVFTA có giải quyết các  tội trạng bị áp đặt bởi ‘an ninh quốc gia’. Và làm cách nào để thực thi chế tài đó?

Đó là bài toán đặt ra cho những tổ chức dân sự trong nước, đặc biệt nhóm độc lập vốn vừa yếu về mặt nhân sự, vừa yếu khâu tổ chức, và còn kém trong tương tác nhân quyền thế giới.

 

Kết

Chúc mừng nhà nước Việt Nam, cũng là kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng để bền vững, thì cần phải nghiêm túc trong thực thi, thúc đẩy nhân quyền trong nước. Và một trong số đó phải giải quyết bài toán liên quan đến tội trạng pháp lý hình sự ‘an ninh quốc gia’, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình, và vấn đề minh bạch điều tra Đồng Tâm.

Và cần nhất, thời kỳ sắp đến nên sớm thiết lập cơ chế đối thoại với người bất đồng chính kiến, và thể hiện sự khoan dung hơn đối với nhóm người này trong xã hội.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)