VNTB – EVFTA: có dễ tận dụng ngay cơ hội?

VNTB – EVFTA: có dễ tận dụng ngay cơ hội?

Diễm Thi

(VNTB) – Câu nói “Thị trường EU mở rộng, … cần tận dụng ngay cơ hội” nghe thì rất sướng lỗ tai, công nhân, nông dân hồ hởi nhưng để đi đến đích cần phải có một tầm nhìn chiến lược sâu rộng.

Sau hàng ngàn cuộc thương thảo trong vòng 8 năm, ngày 8 tháng 6 năm 2020, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) sau nhiều lần bị trì hoãn trong đó có lần vì lý do kỹ thuật.

Lợi ích kinh tế mang lại cho cả hai nền kinh tế là to lớn nhất là khi kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch corona.

Đối với Việt Nam, đây là thị trường béo bở với dự kiến giúp tăng xuất khẩu lên 42,7% vào năm 2025 so với hiện nay. Châu Âu là thị trường truyền thống cho các mặt hàng dệt may, giày dép, và các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Thế nhưng để có thể cầm chắc được 42,7% tăng trưởng xuất khẩu này không phải là dễ.

Ngành dệt may treo trên sợi chỉ mành

Mặt hàng dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu 32,85 tỉ đô la Mỹ, nhưng xuất khẩu sang EU chỉ đạt 4,33 tỉ đô la. Hàng may mặc hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với mức thuế 9%.

Tuy nhiên để có thể được nhận mức thuế quan 0% thì hàng dệt may Việt Nam cần phải đáp ứng quy tắc xuất xứ kể cả từ vải. Doanh nghiệp dệt may lâu nay vốn nhập khẩu vải từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không phải la một quốc gia có ký kết tự do thương mại với châu Âu. Nếu sử dụng vải Trung Quốc thì mức thuế sẽ không được giảm xuống 0% mà thay vào đó có thể ở mức 14-18%.

Để đáp ứng yêu cầu này doanh nghiệp dệt may cần phải nhập vải từ Thái Lan hay Hàn Quốc, nhưng như vậy đồng nghĩa là giá nguyên liệu đầu vào sẽ cao hơn nguyên liệu nhập từ chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Một khả năng khác là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vải sợi tại Việt Nam. Tuy nhiên theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thì nhiều địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm do sợ ô nhiễm môi trường. Một đại diện của Vitas cho biết có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu đô la Mỹ vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Đây là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp dệt may khi vừa phải bảo đảm cam kết bảo vệ môi trường vừa phải thuyết phục các địa phương đón nhận đầu tư nhằm đạt mục tiêu nội địa hoá nguồn nguyên liệu dệt may.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngành thương mại tiêu dùng sản phẩm dệt may châu Âu chưa biết khi nào sẽ hồi phục. Hàng loạt các hãng bán lẻ quần áo đóng cửa vì dịch bệnh và giờ chỉ mở dần cửa bán cầm chừng. Tất cả các hãng lớn như Primark, Mango, Zara … đều cắt giảm hoặc ngưng hẳn đơn hàng.

Hãng quần áo giá rẻ H&M lớn hàng thứ hai thế giới có doanh số giảm đi 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tỷ lệ hàng tồn kho còn rất nhiều. Qua đó cho thấy, hàng dệt may Việt nam chưa có thể thâm nhập ngay được vào EU với mức thuế như mong đợi ngay được.

Ngành thuỷ sản trầy trật thẻ vàng – thẻ đỏ

Tháng 10 năm 2017, Eu đã rút thẻ vàng cho hải sản Việt Nam vì nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU).

Sau 2 năm nhận “thẻ vàng” cảnh cáo, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2018 giảm đi 6,5%, chỉ đạt 390 triệu USD và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Thị trường châu Âu từng là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam nay đã xuống vị trí thứ 5 sau khi EU rút “thẻ vàng”. Tỷ trọng của thị trường hải sản vào EU sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn không giảm. Trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong số đó có có 93 vụ/144 tàu cá bị bắt giữ, xử lý do vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực.

Phía Việt Nam vẫn đang nghi ngờ các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường EU tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam để gỡ “thẻ vàng”, gây sức ép với phía Cộng đồng Châu Âu không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”. Lý do đưa ra là Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, phía Malaysia cho biết họ đang giam giữ nhiều tàu và ngư dân Việt Nam do đánh bắt cá bất hợp phạm trong hải phận Malaysia sau khi đã nhiều lần xua đuổi các tàu cá vi phạm luật đánh bắt trái phép mà không áp dụng một hình thức trừng phạt nào.

Malaysia cho biết họ không thể làm ngơ thêm được nữa và bày tỏ ý định cùng với các quốc gia khác trừng phạt pháp lý đối với các tàu thuyền Việt Nam xâm nhập ngư trường Malaysia hay các quốc gia có liên quan.

Đầu năm nay, Indonesia đã phát hiện 5 tàu cá với 68 ngư dân đánh bắt cá trái phép ở gần quần đảo Natuna. Còn Malaysia từ ngày 19 tháng 3 năm 2020 cho tới nay đã phát hiện 88 trường hợp tàu Việt Nam xâm phạm ngư trường. Tức chỉ mới trong vòng 3 tháng, số tàu xâm phạm vùng biển quốc gia khác gần bằng với tổng số tàu vi phạm trong cả năm 2019.

Việt Nam đã dự định vận động để được tháo thẻ vàng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên cho đến nay đã gần hết tháng 6, vẫn chưa có thông báo từ phía hải quan hay các báo đài nhà nước đăng tin vui về việc “thẻ vàng” đã được gỡ. Và với thông tin như trên thì có lẽ thẻ đỏ đang lấp ló đâu đây.

Sản phẩm nông nghiệp: vướng mắc tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói Nhưng tất cả các khách hàng của châu Âu đều biết là sản phẩm của Việt Nam chứa rất nhiều hóa chất, nhất là những hóa chất cấm mới nhất của châu Âu, thành ra Việt Nam đừng có tưởng muốn xuất cái gì là xuất.”

Từ câu nói này đã phản ánh một thực tế nhức nhối ở Việt Nam là làm sao vừa tăng năng suất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.

Với tập quán sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hàng chục năm, cộng với lối canh tác liên tục không luân canh đã làm chai đất đai. Thêm vào đó hạn mặn, thiếu nước tưới tiêu đã làm cho chất lượng sản phẩm khó đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Ngoài ra việc thu mua nguyên liệu không thể truy được nguồn gốc cũng sẽ không góp phần mở được cánh cửa vào Châu Âu cho dù là EVFTA đã có hiệu lực.

Nguyên nhân chủ yếu là do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Vì vậy trong những năm qua, không ít lô hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản của Việt Nam bị giám sát hoặc thậm chí bị trả về do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hàng xuất khẩu sang EU còn phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Để đạt được điều này thì phải bắt đầu từ nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu vốn hiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và ASEAN. Để thực hiện điều này cần phải tránh tiêu thụ các nguyên liệu, sản phẩm có nguồn gốc trôi nổi qua trung gian.

Hiện chỉ có duy nhất một chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được châu Âu bảo hộ là nước mắm Phú Quốc. Nhưng mới việc nước mắm truyền thống liên tục bị nước mắm công nghiệp áp đảo, việc đô thị hoá và công nghiệp hoá đảo Phú Quốc, sớm muộn gì thì chỉ dẫn địa lý này sẽ gặp nguy cơ bị đe doạ.

Chỉ mới đây thôi, 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị Campuchia từ chối cho nhập cảnh vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đó là sáu loại nông sản gồm bắp cải, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ do phát hiện tồn dư thuốc trừ sâu gây hại sức khỏe người tiêu dùng và đã cho tiêu huỷ toàn bộ lô hàng.

Nhà chức trách có thể biện minh rằng đây là lượng rau nhập theo đường tiểu ngạch nên không khai báo kiểm dịch. “… những lô hàng rau củ quả của Việt Nam bị cơ quan chức năng Campuchia cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cấm nhập khẩu là do không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật với cơ quan kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật” – đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Nhưng đây chỉ là nói lấy được, với thị trường lớn như châu Âu thì chỉ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là truy thu nguồn gốc đồng thời nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu.

Những người làm chính sách Việt nam vẫn đang rất kỳ vọng vào EVFTA, những quan chức ngành cá, nông nghiệp và dệt may cũng thế. Con đường đã có, nhưng để có thể đi được trên lộ trình đó còn phải vượt qua rất nhiều rào chắn mà không thể có thể làm ngay một sớm một chiều được.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Nho vẫn còn xanh