VNTB – EVFTA và thách thức của tư duy quản trị mới

VNTB – EVFTA và thách thức của tư duy quản trị mới

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Trước tiên phía Việt Nam cần có tư duy quản trị phù hợp với luật chơi chung của thị trường EU.

“Câu nói “Thị trường EU mở rộng,… cần tận dụng ngay cơ hội” nghe thì rất sướng lỗ tai, công nhân, nông dân hồ hởi nhưng để đi đến đích cần phải có một tầm nhìn chiến lược sâu rộng.”

Tác giả Diễm Thi đã đặt vấn đề như vậy trong một bài viết mới đây trên trang Việt Nam Thời Báo (*).

Nói một cách hoa mỹ và có phần nhẹ nhàng, thì để EVFTA phát huy được những giá trị mà đôi bên mong muốn, thì trước tiên phía Việt Nam cần có tư duy quản trị phù hợp với luật chơi chung của thị trường EU.

Về mặt lý luận kinh tế học, pháp luật trong những nền kinh tế thị trường phát triển đúng là có vai trò quan trọng, nhưng nó không có ý nghĩa tạo lập nên nền kinh tế.

Còn ở Việt Nam, đã một thời gian rất dài về mặt tuyên truyền, ai cũng thấm thía hệ quả tất yếu của công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, và kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế quốc dân, là sự bài bác tư tưởng tư hữu và xóa bỏ tầng lớp thương nhân.

Để có được một chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, những nhà làm chính trị ở Hà Nội tiếp tục tâm thế thời chiến, để kiên quyết việc mọi giá chỉ bằng ý chí biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội, và gọi đó chính là pháp luật.

Những nhà chính trị này hiểu đơn giản theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, rằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không tự nhiên hình thành trong lòng các xã hội có giai cấp người bóc lột người.

Kết quả hiển hiện dù có che đậy bằng những mỹ từ của đi từ hết nghị quyết này sang nghị quyết khác, thì đói và tụt hậu về kinh tế, mà không thể không được thừa nhận, dù cố bao biện, khiến những nhà chính trị tiếp nối phải nhiều lần ‘tự cách mạng’ để phục hồi kinh tế tư nhân, mang về sự sung túc, dù đó có thể chỉ là bề mặt.

Và lần này, lại không gì khác hơn, bằng ý chí quyết liệt biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội – đó chính là pháp luật – vì nền tảng quan trọng của kinh tế tư nhân là quyền tư hữu tư liệu sản xuất và tự do kinh doanh đã bị ý chí trước đó thủ tiêu. Giờ pháp luật cho phép trở lại, tuy vẫn tiếp tục bảo thủ với cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’, ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.

Nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử,” theo lời ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Với COVID-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn.”

Nếu lần này những nhà hoạch định chính trị ở Hà Nội lại có tư duy quản trị mới, thì nói một cách văn chương bóng bẩy: cuộc đời vẫn thế, bên cạnh những thách thức hiện hữu vẫn có những cơ hội vàng đang mở ra. Tác động kép của Covid-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam, theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn một nhắc nhở rất ‘muôn năm cũ’ cho giấc mơ kỳ vọng tư duy quản trị mới ở nhiệm kỳ cận kề của đảng chính trị: Ba mươi chưa phải là Tết!

_____________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-evfta-co-de-tan-dung-ngay-co-hoi/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)