VNTB – Hà Nội: Vì sao cấm xe đạp bán hàng rong?

Kiều Phong (VNTB) Các cô các bà bán hàng rong không thể làm như vậy, vì ai lo đường nấy, mà cũng chẳng có ngọn cờ để tập hợp nhau lại. 


Dân Hà Nội vẫn thích mua hàng trên xe đạp bán hàng rong. Ảnh Kiều Phong tháng 6/2017.

Một chiếc xe đạp bán hàng rong bị cưỡng chế nằm bẹp trên một xe an ninh, làm nhiều người ngộ nghĩnh nghĩ rằng không biết còn có lệnh cấm vô lý nào mà các bác an ninh Việt Nam không nghĩ ra được nữa.

Luật pháp cần có tinh thần phổ thông, áp dụng cho toàn xã hội, không chừa một ai và không thiên vị một ai. Cấm xe đạp mà không cấm xe ba gác thì có vấn đề.
Nếu đổ cho chiếc xe đạp chở hoa quả của chị bán hàng rong gây mất mĩ quan đô thị thì chiếc xe ba gác của bác thương bình còn xấu xí hơn nhiều. Đó là chưa kể, chiếc xe ba gác của bác thương bình gây ra nỗi sợ hãi làm những người cùng tham gia giao thông ai nấy tránh xa cả thước.
Còn nếu nói về diện tích sử dụng thì chiếc xe ba gác to và cồng kềnh, chiếm nhiều không gian hơn chiếc xe đạp tẻo teo rất nhiều. Nếu lấy lý lẽ lưu thông đường phố để cấm xe đạp thì càng phải cấm xe ga gác. Thủ đô Hà Nội có những khu phố, con đường nhỏ hẹp, chỉ riêng chiếc xe ba gác của bác thương binh thôi đã ngốn gần một phần hai chiều rộng lòng đường. Có bác còn chất hàng lên cao bằng hai cái đầu người. Trong khi đó, chiếc xe đạp nhỏ gọn có khi lại phù hợp hơn với giao thông phố cổ.
Hẳn đã có ít nhất một sự phân biệt đối xử nào đó khiến bác bảo vệ dân phố sẵn sàng dám hốt xe đạp bán trái cây lên phường mà không dám hốt xe ba gác. Các bác thương binh hết sức đoàn kết và tự hào về mình, ai từng sống thời gian ở Hà Nội đều nhận thấy. Người dân Hà Nội còn nhớ ngày nào chính phủ và báo đài rục rịch đòi cấm xe ba gác. Thế là ngay lập tức, hàng trăm bác thương binh không biết ai tổ chức đã rủ nhau đỗ xe dưới cầu vượt Phạm Hùng, chỗ gần bến xe Mỹ Đình. Các bác thương binh còn lấy xích loại to xích những chiếc ba gác lại cùng nhau rồi khóa lại, công an lắc đầu không đẩy đi được. Hôm đó tắc xe đến cả cây số. Người Việt có câu tục ngữ “đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”, chính phủ và công an cũng đành chịu thua, rút lại lệnh cấm xe ba gác. Vậy nên chúng ta mới thấy xe ba gác vẫn còn ở thủ đô Hà Nội hiện đại cho đến ngày nay, và không biết bao giờ mới xóa được.
Một xe đạp bán hoa trên phố cổ Hà Nội. Ảnh Kiều Phong, tháng 6/2017.
Các thương binh có danh nghĩa quân nhân, là những người đã mất phần xương máu để cầm súng bảo vệ tổ quốc. Họ không quyền bính nhưng được xã hội nể vì, đã họp nhau lại để bảo vệ miếng cơm manh áo lẫn nhau. Các cô các bà bán hàng rong không thể làm như vậy, vì ai lo đường nấy, mà cũng chẳng có ngọn cờ để tập hợp nhau lại. Họ thân cô thế cô, chẳng khác nào trẻ cơ nhỡ giữa một xã hội Hà Nội đầy phe nhóm mà không vào một phe nhóm nào thì khó lòng sống được.
Xe ba gác ở Hà Nội đa số là xe cũ, nói thẳng ra thì đa số là xe tự chế. Xe đạp là một phương tiện giao thông không khói, cũng là một nét văn hóa. Ở các tuyến phố, người ta còn thấy những chiếc xe đạp chở trái cây và chở hoa duyên dáng đáng yêu, ngoài xe đạp ra thì mọi phương tiện giao thông chuyên chở đều không làm được việc đó một cách văn hóa như vậy.
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)