VNTB – Hàn Quốc: kỳ tích sông Hàn đến từ giáo dục

Tôn Phi (VNTB) Sáng ngày 07/04/2015, tại phòng họp D201, phòng Quản lý Khoa học – Dự án và khoa Nhân học trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM đã tổ chức một tọa đàm về Hàn Quốc. Diễn thuyết tại buổi tọa đàm là Edward  T. Chang,  giáo sư gốc Hàn Quốc tại đại học California Riverside (Hoa Kỳ). Với chủ đề “Hàn Quốc – từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”, giáo sư Chang đã cung cấp những góc nhìn sâu sắc và toàn diện về nguyên nhân làm nên  Kỳ tích sông Hàn.

Từ tuyệt vọng đến hi vọng

Đất nước Hàn Quốc có xuất phát điểm tương đồng với miền nam Việt Nam. Sau tháng 7/1953, Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề, có đến 3 triệu người chết vì bom đạn và hàng triệu con người ly tán vì chiến tranh.

Gs Chang (bên phải) trong cuộc tọa đàm với chủ đề: “Hàn Quốc – từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”

Ngay thời điểm ông (Gs Chang) được cử sang Hoa Kỳ học tập (1974), đất nước Hàn Quốc theo như ông biết là vẫn còn phải đi nhận viện trợ từ nước ngoài (Recipient Nation), dù rằng một số công ty lớn của Hàn Quốc bắt đầu có chỗ đứng riêng trên thị trường thế giới. Nhưng bắt đầu từ năm 1980, Hàn Quốc bắt đầu tăng tốc trong phát triển kinh tế, và đến ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia viện trợ không hoàn lại cho các nước (Donor Nation) nhiều nhất, trọng điểm là các nước ở Đông Nam Á. Câu chuyện về các đại công ty của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai cho đến hiện tượng Gangnamstyle của ca sỹ Psy vẫn đang thu hút sự quan tâm của các nhà làm chính sách trên toàn cầu. Nguyên nhân nào đã biến đổi một Hàn Quốc từ đất nước tuyệt vọng đi đến tràn ngập hi vọng như ngày nay, câu trả lời được giáo sư Chang phân tích trên nhiều bình diện, từ những đức tính sẵn có của người Hàn Quốc cho đến chính sách giáo dục và chính sách kinh tế của nhà cầm quyền thời hậu chiến. Và cốt lõi của sự thay đổi, theo Gs Chang, chính là đầu tư và thay đổi về giáo dục.

Nền giáo dục bắt buộc và nghiêm khắc

Giáo sư Chang kể lại quy trình chọn nhân tài nghiêm ngặt của Hàn Quốc thời hậu chiến mà ông trải qua. Ai cũng được đi học tiểu học, nhưng bắt buộc phải thi tuyển để vào THCS. Học xong THCS, học sinh lại phải vượt qua một kỳ thi ngặt nghèo nữa mới được đi học THPT. Sau kỳ thi vào các trường đại học, tỉ lệ thanh niên Hàn Quốc đi học  chỉ còn lại  20%  và đó là những con người xứng đáng (kỳ vọng).

Vấn đề đặt khoa học kỹ thuật vào chương trình giáo dục luôn được chú trọng, bắt đầu từ chính tổng thống Phác Chính Hy. Đó là một chương trình giáo dục chất lượng cao (High Education) với chi phí thấp (Low Pay).

Trong chương trình giáo dục của Hàn Quốc, nội dung khoa học kỹ thuật được chú trọng. Ngoại ngữ được phổ cập cho toàn dân, đặc biệt là tiếng Anh – với sự ảnh hưởng của người Hoa Kỳ.
Hàn Quốc coi giáo dục con người là yếu tố hàng đầu của kỳ tích sông Hàn

Nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc trở nên dồi dào phong phú trong một thời gian ngắn. Nhờ vậy, các tập đoàn về cơ khí và công nghệ cao của Hàn Quốc có được nguồn nhân lực dồi dào đào tạo được từ hệ thống giáo dục.

Hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ nhất thế giới về chính phủ điện tử, tiếp theo là Mỹ, Canada, Anh và New Zealand (thống kê năm 2010).

Hoa Kỳ – theo Gs Chang là hình mẫu về nền giáo dục mà Hàn Quốc muốn hướng tới, nhất nơi mà cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên có sự đồng đều. Do vậy, trong những năm gần đây, người Hàn Quốc đã chú trọng đến khoa học xã hội. Họ dành những suất học bổng cho các giảng viên và sinh viên từ các nước Á Châu đến giảng dạy và nghiên cứu, tiêu biểu như sự hợp tác giữa Phòng hợp tác với Hàn Quốc của trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM với đại học quốc gia Seoul của thủ đô đất nước kim chi.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)