VNTB – ‘Hoa hồng’ của test nhanh?

VNTB – ‘Hoa hồng’ của test nhanh?

Long Đức

 

(VNTB) – Với số tiền tổng xét nghiệm 2.471.9 tỷ đồng ở Hà Nội, so sánh với quyết định chi 2.652 tỷ đồng mua 20 triệu liều vaccine Pfizer của Thủ tướng thì chỉ kém hơn 180 tỷ.

 

Hiện nay, việc xét nghiệm và tiêm vaccine được tiến hành song song để đạt hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.  Tại những nơi có số ca nhiễm cao như TP.HCM, Hà Nội,… thì Bộ Y tế đẩy mạnh xét nghiệm toàn dân để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Điều này đã vấp phải nhiều ý kiến phản ánh về lãng phí khi thực hiện xét nghiệm đại trà.

Ngày 14-9, tại buổi họp với Tổng kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có những nhận xét về sử dụng chi phí giữa xét nghiệm và vaccine: “Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào? Test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

Nhận định trên của Chủ tịch Quốc hội là có cơ sở, vì đang có sự chênh lệch giá cả giữa xét nghiệm và vaccine.

Cụ thể: chi phí dành cho xét nghiệm RT-PCR hiện nay tầm 730.000 đồng/ mẫu xét nghiệm (đã bao gồm chi phí bảo quản và lấy mẫu); chi phí cho xét nghiệm nhanh ở mức giá 238.000 đồng/ mẫu xét nghiệm.

Về mức giá của vaccine, dựa trên thông tin ngày 17-9, Chính phủ đã quyết định mua 20 triệu liều vaccine Pfizer với chi phí là 2.652 tỷ đồng. Nếu chia ra giữa 2 con số trên, cho thấy một liều vaccine Pfizer có giá gần 6 USD (tương đương 140.000 đồng).

Hoặc đối với vaccine đang dẫn đầu về số lượng người tiêm hiện nay là AstraZeneca, thì giá rẻ hơn nhiều so, 1 liều chỉ vào khoảng 2,4 USD (hơn 54.000 đồng).

Phân tích như thế không có nghĩa là ủng hộ dừng hoàn toàn xét nghiệm mà dành hết nguồn chi phí để mua vaccine. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, việc xét nghiệm chỉ là công cụ để phục vụ phòng chống dịch, không phải là thứ vũ khí đẩy lùi virus.

Không phải cứ xét nghiệm đại trà tìm F0 để bóc tách ra khỏi cộng đồng là cộng đồng sẽ không còn ca nhiễm. Bởi thời điểm hiện tại, đợt dịch này đã khác so với đợt dịch của năm ngoái, virus đã tràn lan bên ngoài nên không thể đưa cộng đồng trở về thời kỳ “Zero F0” như trước đây.

Việc xét nghiệm được chuyên gia nhận định cần có trọng tâm, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao hoặc là vùng đỏ. Nếu không sẽ gây tình trạng tốn kém về chi phí lẫn nguồn nhân lực y tế.

Như mới đây, từ ngày 8-9 đến 16-9, Hà Nội đã “thần tốc xét nghiệm” toàn dân với tổng số mẫu là 4.255.316: có 2.965.789 số lượng mẫu PCR và 1.289.527 số lượng mẫu test nhanh, phát hiện 21 ca dương tính.

Nếu tính theo mức giá cho xét nghiệm đã nêu trên thì chi phí cho cuộc xét nghiệm thần tốc này hơn 2.471,9 tỷ đồng (2.165 tỷ đồng cho 2.965.789 mẫu PCR và 306,9 tỷ đồng cho 1.289.527 mẫu test nhanh).

Với số tiền tổng xét nghiệm 2.471.9 tỷ đồng ở Hà Nội, so sánh với quyết định chi 2.652 tỷ đồng mua 20 triệu liều vaccine Pfizer của Thủ tướng thì chỉ kém hơn 180 tỷ. Nhưng vaccine là “át chủ bài” có hiệu quả lâu dài để thực hiện tâm thế sống chung với virus.

Thêm nữa, xét nghiệm không phải chỉ thực hiện 1-2 lần như việc tiêm vaccine, mà được lặp lại nhiều lần vì trên thực tế F0 ở hiện tại trên thế giới chưa có quốc gia này ‘xóa’ được.

Một vài con số về giá được ghi nhận tại thị trường vật tư y tế ở TP.HCM: Khảo sát giá bán test nhanh ở 3 nhà thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), tuy cùng 1 loại do Hãng Humasis Covid-19 Ag Test (Hàn Quốc) sản xuất, nhưng đến 3 giá khác nhau: 135.000 đồng, 140.000 đồng và 200.000 đồng/test.

Tiếp tục khảo sát tại một số nhà thuốc trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), test nhanh của Hãng Humasis được bán lẻ với giá 146.000 đồng/test. Trong khi đó, 1 nhà thuốc khác gần đó bán cùng loại, nhưng với giá 125.000 đồng.

Trong khi đó, giá 1 bộ test nhanh Humasis Covid-19 Ag Test mà Bộ Y tế công bố hồi cuối tháng 8-2021 có giá 128.000 đồng/test (giảm 70.000 đồng/test so với giá công bố trước đó).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)