VNTB – Học ở người Nhật

VNTB – Học ở người Nhật

Mỹ Thuận

(VNTB) – Đọc báo thấy lạ lùng quá, tại sao ở Nhật Bản người ta từ chức, thay thế thủ tướng đơn giản, dễ, nhanh thế nhỉ?

“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” – Trích Điều 3, Hiến pháp 2013.

Báo chí Việt Nam đăng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 16-9 đã gửi điện mừng nhân dịp ông Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chúc mừng ông Motegi Toshimitsu được tái bổ nhiệm làm ngoại trưởng Nhật Bản.

Ông Suga, 71 tuổi, là thủ tướng mới của Nhật Bản sau khi cựu thủ tướng Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe, kết thúc 8 năm lãnh đạo nước này. Trong ngày 16-9, ông Suga cũng tiến hành công bố nội các mới. Ngoài ông Motegi tiếp tục làm ngoại trưởng, vị trí bộ trưởng quốc phòng mới được trao cho ông Nobuo Kishi, em trai của cựu thủ tướng Abe. Các vị khác tiếp tục được giữ nguyên từ thời ông Abe bao gồm Aso Taro (bộ trưởng tài chính), Koizumi Shinjiro (bộ trưởng môi trường), Hashimoto Seiko (bộ trưởng Olympics).

Mọi chuyện chóng vách và xem ra quá đỗi bất ngờ khi mang so với cung cách quản trị quốc gia của Việt Nam.

Tư cách nhân dân muốn phát huy quyền làm chủ, tôi nghĩ rằng đảng cộng sản Việt Nam cần học hỏi người Nhật, vì sao họ cũng vẫn đủ những điều cần thiết cho việc hệ trọng quốc gia, nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng là ngon cơm, chả cần hội họp rình rang, thông qua, xem xét này nọ. Người nghỉ cũng vui, người nhậm chức cũng coi là sự bình thường, không tớn lên xí xớn cờ phướn băng rôn hoa hoét đít-cua chúc tụng ăn nhậu như ở xứ Việt?.

Tin tức từ trang http://japan.kantei.go.jp/index.html cho biết như sau (tóm lược chuyển ngữ): Ở Nhật, Nội các Tổng lý Đại thần (内閣総理大臣) là tên gọi của chức danh của người đứng đầu nội các của Nhật Bản hiện nay; có nhiệm vụ và quyền hạn tương đương với chức Thủ tướng của một quốc gia quân chủ lập hiến.

Nội các Tổng lý Đại thần do Thiên hoàng phê duyệt việc bổ nhiệm sau khi được đề cử bởi Quốc hội từ các thành viên, và phải được sự tín nhiệm của Hạ viện để tồn tại ở vị trí này.

Nội các Tổng lý Đại thần được đề cử bởi cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản. Mỗi viện tiến hành một cuộc bầu cử dưới hệ thống hai vòng bầu cử. Nếu cả hai viện chọn ra hai người khác nhau, thì một ủy ban hỗn hợp từ hai viện sẽ được cử ra để đồng ý một ứng cử viên chung. Tuy nhiên nếu cả hai viện đều không đồng ý trong mười ngày thì cuối cùng quyết định của Hạ viện sẽ được ưu tiên. Do đó, trên lý thuyết Hạ viện là cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định người được đề cử nắm giữ cái ghế Tổng lý Đại thần.

Nội các Tổng lý Đại thần phải từ chức nếu như Hạ viện thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ngoại trừ Hạ viện bị giải tán trong vòng 10 ngày. Nội các Tổng lý Đại thần cũng phải từ chức sau mỗi lần tổng tuyển cử Hạ viện, ngay cả trường hợp đảng của ông chiếm đa số trong viện.

Quốc hội là lập pháp lưỡng viện của Nhật Bản. Quốc hội bao gồm Tham Nghị viện (tức Thượng viện) và Chúng Nghị viện (tức Hạ viện). Cả hai viện được bầu cử trực tiếp theo hệ thống bầu cử song song.

Ngoài việc thông qua các đạo luật, Quốc hội có quyền lựa chọn Thủ tướng điều hành chính phủ. Quốc hội thành lập đầu tiên vào năm 1889, đó là kết quả của việc thông qua Hiến pháp thời Minh Trị. Hình thái Nghị viện như hiện nay xuất hiện khi việc thông qua hiến pháp thời hậu chiến (Chiến tranh thế giới thứ hai) và được Hiến pháp quy định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Chiếm vị trí quan trọng trong Nghị viện hiện nay là Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Việt Nam là quốc gia mà Quốc hội chỉ có một viện, được coi là tương đương với hạ viện, và được mô tả là đơn phương hay gọi là đơn viện lập pháp.

Câu hỏi đặt ra: có phải ở Nhật Bản người ta từ chức, thay thế thủ tướng đơn giản, dễ, nhanh, là vì Nhật Bản đa đảng phái? Nếu đúng như vậy, từ mô hình quản trị quốc gia của Nhật Bản, phía Việt Nam sẽ chọn lọc để học hỏi được những gì về nhân sự quản trị quốc gia theo sự phù hợp với yêu cầu độc đảng?

Những năm về trước, trên diễn đàn mạng xã hội từng có các luồng ý kiến trái ngược nhau về hiệu quả quản trị quốc gia ở thời gian cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng cuối cùng vẫn là chuyện đấu đá hậu trường giữa các phe nhóm lợi ích, và sau đó mới là chuyện ngài phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên thay, mà không công bố với quốc dân vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng phải rời ghế?

Gần đây, có đồn đoán về sức khỏe không đủ để đảm đương việc hệ trọng quốc gia của Chủ tịch Nước – ông Nguyễn Phú Trọng, song Việt Nam vẫn chưa thấy có một sự thay đổi nào trong cung cách quản trị để một chính khách được quyền nghỉ ngơi an tâm chữa bệnh.

Nói thêm, sau khi thủ tướng Abe về làm người tử tế thì Nhật có nội các mới. Nhật với dân số trên 126 triệu dân, kinh tế đứng trong top 5 thế giới, thế nhưng chính phủ của họ chỉ chừng trên dưới 15 vị – một con số rất cách biệt nếu so với dàn nhân sự lãnh đạo hùng hậu của cả phía Đảng và phía Nhà nước của Việt Nam.

Học thầy không tày học bạn. Trước mắt, Việt Nam nên học người Nhật, ít ra cũng từ chuyện về cái ghế thủ tướng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)