(VNTB)-Kerry Brown: Tại sao Trung Quốc không thể đổi mới?

Phạm Nguyên Trường dịch

(VNTB) – Tập Cận Bình ca ngợi đổi mới trên lí thuyết, nhưng hệ thống của Trung Quốc không được lập trình nhằm khuyến khích đổi mới trên thực tế.

Đổi mới có tính phá hoại?

Có nhiều khác biệt giữa chính quyền của Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào, nhưng có một lĩnh vực chính trị mà họ hoàn toàn thống nhất với nhau, đấy là thái độ sùng bái khái niệm đổi mới trừu tượng, coi nó là giải pháp cho hầu như tất cả những thách thức lớn của đất nước.

Trong thập kỉ vừa qua, khái niệm “phát triển một cách khoa học” của Hồ Cẩm Đào được coi là tuyên bố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất về đổi mới. Dưới triều Hồ Cẩm Đào, ý tưởng này được được chống lưng bằng sự gia tăng đột ngột những khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, lĩnh vực giáo dục nhận được nhiều nguồn lực hơn trước đây, và các doanh nghiệp (cả nhà nước lẫn tư nhân) trong những lĩnh vực được ưu tiên như công nghệ thông tin, công nghệ cao và máy tính cũng nhận được nhiều sự trợ giúp hơn trước. Lĩnh vực này thậm chí còn lập kế hoạch phát triển trong 15 năm, bắt đầu từ năm 2006, đây là một lời tuyên bố mạnh mẽ về hướng đi của đất nước, theo nghĩa nâng năng lực của mình lên ngang tầm thế giới.

Dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc sản xuất bằng sáng chế với tốc độ nhanh đến chóng mặt, chẳng khác gì tốc độ tăng trưởng GDP của nước này. Tuy nhiên, tự thân bằng sáng chế không tạo ra sản phẩm sáng tạo. Các công ty Mỹ và châu Âu tiếp tục làm ra những công nghệ mà ai cũng muốn sở hữu. Một mặt, những nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm ăn cắp sở hữu trí tuệ thông qua các cuộc tấn công trên không gian ảo hay bằng những phương tiện khác là tội ác. Nhưng mặt khác, những vụ trộm cắp IP là hành động được dân chúng ca ngợi và chấp nhận cho nên cho đến nay, thời điểm đột phá của Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn.

Một cuốn sách mới viết về đổi mới trong lĩnh vực quân sự nhan đề: Forging China’s Military Might, do Tai Ming Cheung biên tập, giúp giải thích vì sao điều đó có thể xảy ra. Ở Trung Quốc, đổi mới, tương tự như cải cách, là một từ được mọi người ưa dùng. Các chính trị gia thích sử dụng nó trong các bài phát biểu của mình, và tự coi mình là người đổi mới. Mặc dù vậy, người ta chưa thể thống nhất với nhau đổi mới thực sự nghĩa là gì và cái gì góp phần khuyến khích quá trình đổi mới. Một mặt, Tai Ming Cheung và các đồng tác giả cho thấy rõ rằng đổi mới là hiện tượng đầy nghịch lí. Những cuộc đổi mới thực sự bao giờ cũng tạo ra kẻ thắng và người thua và rất tốn kém. Cứ mỗi một công ty Apple hay Microsoft thành công là hàng ngàn công ty thất bại. Chỉ có một số rất ít các khoa học gia tại các viện nghiên cứu và các trường đại học với những ý tưởng tuyệt vời là có thể nhận được tài trợ nhằm phát triển ý tưởng của mình và đưa được nó vào thực tiễn mà thôi. Đổi mới, ít nhất là theo cuốn sách này, là quá trình có tính phá hoại. Nó đơm hoa kết trái khi có những người chấp nhận rủi ro và nền văn hóa có thái độ khoan dung với những người như thế.

Có thể gây ra đổ vỡ

Theo những bằng chứng được tình bày trong cuốn sách này thì chính phủ Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có thể đổ tất cả những khoản tiền mà họ muốn vào những khu công nghệ cực kì rộng lớn và đào tạo ra một số lượng lớn các kỹ sư và lập trình viên đẳng cấp quốc tế. Nhưng ngay cả với những nỗ lực như thế, dường như Trung Quốc chỉ có khả năng tạo được một vài công ty sáng tạo đẳng cấp quốc tế mà thôi. Vấn đề căn bản là ở Trung Quốc vai trò của nhà nước và chính phủ vẫn còn rất mạnh. Phần lớn các khoản tài trợ là của nhà nước, và cuối cùng, thành quả cũng quay lại với nhà nước. Hệ thống thang bậc, quyền lợi ích kỉ và tính tự mãn gây ra khó khăn cho tất cả những người mong muốn trở thành Steve Jobs của nước Trung Hoa hiện đại. Có những người dũng cảm đã làm được điều đó – ví dụ như Jack Ma, người sáng lập công ty Alibaba. Tuy nhiên, theo tình hình hiện nay thì hệ thống bao cấp của nhà nước không chấp nhận thất bại, nó trừng phạt rất mạnh những người đầu tư nhiều mà thu chẳng được bao nhiêu, và đòi phải nhanh chóng đem lại lợi nhuận. Các hệ thống thị trường của Mỹ và châu Âu là những vườn ươm tốt hơn cho những ý tưởng điên rồ, rất ít những ý tưởng trong số đó cuối cùng đã vượt qua được và thành công.

Trong những bài phát biểu gần đây, Tập Cận Bình cũng khẳng định một sự đổi mới mạnh mẽ như người tiền nhiệm của ông đã làm. Hầu như chắc chắn là ông sẽ tiếp tục nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trung ương sẽ diễn ra trong năm nay và cũng chắc chắn đấy cũng chỉ là thuật tu từ mà thôi. Thực chất là cần một sự đổi mới ngoạn mục trong việc sợ rủi ro, hệ thống kiến ​​thức được qui định từ trước đang giữ thế thượng phong ở Trung Quốc đã chấp nhận những ý tưởng mới, đa dạng và đầy thách thức trong việc làm ra những đồ vật khác nhau, thiết kế đồ vật theo cách mới, hay sống theo những cách khác nhau – đấy đều là đổi mới cả.

Hệ thống ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn đang tưởng thưởng cho thái độ tuân phục. Phải có hành động của những người dũng cảm thì mới thay đổi được điều đó. Nói theo Chen Yun, từ những năm 1980, thì đổi mới là tốt – khi nó còn như một con chim ở trong lồng. Phải kiểm soát được nó. Tuy nhiên, vấn đề lớn mà Tập và các nhà lãnh đạo của ông ta cần phải cân nhắc khi họ nghĩ đến sự hỗ trợ cho việc đổi mới hệ thống hiện nay của họ. Đối với hầu như tất cả các thách thức về chính sách mà hiện nay Trung Quốc đang gặp, từ tăng trưởng đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, từ giải quyết các vấn đề nhân khẩu học đến bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc với một đội quân hiện đại, thì đổi mới cũng đều nằm ở trung tâm của các giải pháp cần thực hiện. Không có lĩnh vực nào cho ta thấy một cách rõ ràng hơn sự phức tạp và mâu thuẫn của nước Trung Quốc ngày nay hơn là trận chiến giữa mạo hiểm và sợ rủi ro; thực dụng và đổi mới có thể gây ra đổ vỡ. Ban lãnh đạo hiện nay, tương tự như ban lãnh đạo trước, không thể tránh được đổi mới, mặc cho những rủi ro và các vấn đề nội tại của nó.

Nguồn: http://thediplomat.com/2014/08/why-china-cant-innovate/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)