VNTB – Khối ĐHQG TP.HCM: Bắt buộc phải có báo do sinh viên chủ quản

Chim báo bão (VNTB) Đô thị đại học quốc gia TP.HCM, với đầy rẫy những vấn đề nội tại đã được phân tích trong loạt bài điều tra của Việt Nam Thời Báo. Mặc cho nỗ lực xoay xở của chính quyền, xã hội thu nhỏ đó càng ngày càng xuống cấp thảm hại. Một giả thuyết được đưa ra, cho rằng sự thiếu vắng một cơ quan báo chí do sinh viên chủ quản là nguyên nhân chính.

Tác dụng của cơ quan ngôn luận “lề” sinh viên 

Hiện tại, các dịch vụ ở đại học quốc gia TP.HCM phục vụ trên 55 000 sinh viên chính quy. Nhưng sinh viên chỉ được mua dịch vụ, không được kiểm soát dịch vụ. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ- những người lớn- muốn chèn ép sinh viên thế nào cũng được, sinh viên không được cất tiếng nói nên chất lượng dịch vụ bị thao túng. Nếu coi rằng đào tạo đại học cũng là một dịch vụ thì dễ hiểu tại sao mấy chục năm qua nền đào tạo của Việt Nam nói chung không phát triển mà ngày càng đi xuống. Tất cả là do không có kênh nào để sinh viên cất tiếng nói bảo vệ mình một cách mạnh mẽ. Không có chỉ trích, không có cạnh tranh, trình độ của các trường và các giảng viên dĩ nhiên không thể tiến hóa, giữa một thời đại mà ngành nào của Việt Nam cũng đòi vươn ra châu lục.

Ảnh minh họa
Một định tính sơ bộ, một tờ báo “lề” sinh viên sẽ cho 7 tác dụng tức thì sau đây:

1. Các sinh viên bảo ban lẫn nhau kinh nghiệm học đại học và sống trong môi trường đô thị. Từ đó các bạn có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc. Kinh nghiệm cho thấy 80% số sinh viên gặp những phiền toái trong thời gian học đại học chỉ vì thiếu thông tin. Hầu như không có sinh viên nào là trong bốn năm học không lên văn phòng trường, khoa hoặc đoàn. Do lịch tiếp khách quá tải, tất yếu là nhân viên các phòng này bị căng thẳng rồi nặng hơn là nổi nóng với sinh viên. Nếu các quy định, thủ tục đăng sẵn trước trên báo chí, những sự phiền phức này sẽ được giảm thiểu tối đa.

2. Rất nhiều sinh viên đánh rơi thẻ sinh viên, giấy tờ tùy thân, bằng lái xe…Ai mất giấy tờ sẽ đăng tin tìm vật rơi trong tờ báo sinh viên, người nhặt được giấy tờ cũng sẽ đăng tin trong đó. Như thế tiết kiệm được thời gian sức lực cho tất cả mọi người, thay vì tự ai người nấy dán giấy tìm vật rơi trên những bức tường hay những cột điện. 

3. Những khiếu nại của sinh viên sẽ nhanh chóng được giải quyết hơn. Không trường nào, khoa nào muốn tin đồn về cơ cấu hành chính phiền hà của mình tuồn ra ngoài. Trong một thời mà thị trường đại học thả cửa tự do, các trường của chính phủ và bộ càng phải giữ uy tín mới có thể tồn tại. Họ sẽ đọc tờ báo sinh viên mới biết mình sai sót những gì. 

4. Các chủ quán ăn sinh viên buộc phải văn minh-lịch sự hơn. Chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm bắt buộc phải được nâng cao, vì quán nào làm ăn gian dối sẽ bị sinh viên tẩy chay trên tờ báo đó. Hiện tại có những quán ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà ngành công an vì những lý do này khác đã không thể kiểm soát được. 

5. Các cơ sở dịch vụ như các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm cấp phép lái xe, trung tâm luyện thi…buộc phải đi vào “cái lồng quyền lực”, do sinh viên, những người sử dụng dịch vụ bình chọn. Chẳng hạn, các cơ sở ngoại ngữ ở Đô thị đại học quốc gia TP.HCM đang trong thời kỳ trôi nổi, vô kỷ luật, vì không có đánh giá hay xếp hạng nào từ cộng đồng sinh viên lâu nay.

6. Vấn đề nhà trọ. Chính quyền không quản nổi chất lượng nhà trọ ở đại học quốc gia TP.HCM nữa. Hai chục năm qua nhà trọ bị thả lỏng bừa bãi, kết quả là ô nhiễm môi trường và chật chội, chen chúc, nóng nực như những khu ổ chuột. Chất lượng nhà trọ sẽ được cải thiện nếu có báo tiếng nói của sinh viên. Nhiều chủ nhà trọ vốn không phải là người xấu nhưng vì không có ai nhắc nhở, không có ai nói cho nghe về cái đẹp/cái xấu nên không biết đường tiến tới văn minh. Nếu ai đó nói cho họ xem về những nhà trọ văn minh ở Hàn hay Nhật, chưa chắc họ đã xây nhà trọ tồi tàn như vậy.

7. Đặc biệt, vấn đề việc làm thêm cho sinh viên. Hiện nay nhiều sinh viên đi làm thêm cho các quán, các em bị bóc lột sức lao động mà không biết, hoặc lao động trong môi trường tồi tàn, không có bảo hiểm rủi ro. Nhiều em còn đi sa vào bẫy của những kẻ bất lương, thậm chí có những em nữ bị lừa vào các quán bia ôm lúc nào không hay, chỉ vì tin vào các tờ giấy quảng cáo cung cấp việc làm lương cao. Kẻ xấu không ngần ngại dán chúng giữa những con đường ở đô thị đại học quốc gia TP.HCM. Có mục tìm việc làm trên một tờ báo, vấn nạn này sẽ được giảm bớt.

Với 7 lợi ích thiết thực như vậy, một tờ báo do sinh viên chủ quản xứng đáng được sinh ra. Đó có thể là nhật báo, tuần báo hoặc nguyệt san, tùy theo nhu cầu của 55 000 sinh viên thường xuyên tại đây.

Mức độ khả thi

Thạc sỹ Phạm Bá Hải kể lại thời anh còn là sinh viên đại học Luật TP.HCM. Anh tự in một tập san báo chí trong trường. Ban đầu, nhiều ý kiến khen ngợi nhiệt liệt, phóng viên các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên còn đến tìm anh để phỏng vấn. Lâu dần, tờ báo mở rộng và động đến nhiều bức xúc xã hội, cuối cùng nói đến căn nguyên của mọi vấn đề là nền chính trị. Chính quyền thấy nguy nên đình bản vĩnh viễn tờ báo, sinh viên Phạm Bá Hải cũng bị đuổi học. 

Vì vậy, bây giờ đối thoại với chính quyền để cho ra một tờ báo phục vụ sinh viên là việc không phải dễ. Sinh viên họp nhau làm báo, ắt hẳn cần kiêng kị nói về chính trị. Tất cả dành cho mục tiêu tối thượng là cải tiến quyền dân sinh cho tầng lớp tinh hoa của đất nước, các mục tiêu sâu hơn tạm không tính đến ở đây. Tuy nhiên, xác suất ra đời của nó không phải là Zero, bởi lẽ cả chính quyền lẫn công an địa phương đều muốn truyền thông giúp họ giải tỏa áp lực công việc hiện nay. Cần có những tổ chức trung lập đứng ra thương lượng giữa các bên, chẳng hạn như đại học quốc gia nên đứng ra bảo lãnh cho sinh viên với chính quyền, rằng sẽ không đả động đến giai cấp thượng tầng chính trị. Một thỏa thuận như thế khả thi vì có lợi cho tất cả các bên, không bên nào thiệt thòi. 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)