VNTB – Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam tiếp tục gặp khó

VNTB – Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam tiếp tục gặp khó

Triệu Tử Long

(VNTB) – Việt Nam liên tục gia tăng thặng dư thương mại với Mỹ, như vậy nếu vụ việc đầu tiên về thao túng tiền tệ đối với Mỹ không được giải quyết tốt, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

 

Nhìn đâu cũng thấy khó chồng khó!

Tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay” ngày 3-10, do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, nhiều ý kiến cho chung nhìn nhận rằng TP.HCM có thể vực dậy kinh tế cả nước, nhưng các cực tăng trưởng đã ‘đuối’.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, suốt thời gian qua kinh tế TP.HCM có hiệu quả cao nhất nước với năng suất cao gấp 2,6 bình quân cả nước; lao động mỗi năm tăng thêm 120.000 người; 1 đồng đầu tư ngân sách có sự lan tỏa, tức 1 đồng ngân sách bỏ ra  thu hút vốn đầu tư xã hội vào lên đến 14 đồng. Tuy nhiên, hiện thành phố gặp rất nhiều thách thức, từ vấn đề gia tăng dân số – bình quân mỗi năm tăng 200.000 người; nước biển dâng, sụt lún, đô thị hóa… Riêng chuyện kẹt xe đã làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương thích với nguồn lực TP.HCM.

Tới đây TP.HCM có đến 51 đề án trọng điểm sẽ được triển khai như đề án chính quyền đô thị; thành lập thành phố Thủ Đức; hình thành các trung tâm tài chính mang tính khu vực; về hạ tầng giao thông… Dĩ nhiên, theo ông Ngân, quan trọng nhất chính là nguồn tiền. Để giải quyết bài toán nguồn tiền thì phải có đề án về chi ngân sách. Làm sao Trung ương phải để lại cho ngân sách của TP.HCM nhiều hơn, ít nhất phải là 23%, chứ còn 18% như hiện nay là rất khó.

Con số báo cáo được đưa ra tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay”, là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm của TP.HCM ước tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,1%, khu vực dịch vụ tăng 1,2%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước sau 9 tháng của TP.HCM ước thực hiện 245.362 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán và giảm 14,6% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 942.958 tỷ đồng, giảm 2,3%. Ngành lưu trú, ăn uống giảm mạnh 39,9% và hoạt động lữ hành sụt giảm tới 73,6% vì dịch bệnh.

Hơn 84% doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn còn trong tình trạng khó khăn. Khoảng 76% các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. Chỉ 10% doanh nghiệp tiếp cận được chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay vốn 0% để trả lương người lao động.

Trung ương cũng nghèo, giờ còn mắc thêm cái eo…

Người dân ở miền Nam hay dùng câu “đã nghèo mà còn mắc cái eo”, ý nói người đã nghèo rồi mà còn bị đối xử quá ngặt.

Trung ương hiện đang lo đầu tắt mặt tối cho những khoản chi của Đại hội Đảng các cấp, giờ nếu chính quyền TP.HCM cứ hăm he kiểu TP.HCM có thể vực dậy kinh tế cả nước, nhưng các cực tăng trưởng đã ‘đuối’, và còn yêu sách, Trung ương phải để lại cho ngân sách của TP.HCM nhiều hơn, ít nhất phải là 23%, chứ còn 18% như hiện nay là rất khó, thì đúng thiệt là đã nghèo mà còn mắc cái eo.

Chưa hết, thêm cái eo nữa mà Đảng và Nhà nước đang gặp, là chuyện phía Mỹ đánh tiếng Việt Nam đang “thao túng tiền tệ”. Đây cũng là chuyện tiền. Việc tiền đồng bị định giá thấp hơn khoảng 4.7% so với đồng đô la Mỹ trong năm ngoái là một trong những duyên cớ khiến Việt Nam một lần nữa đối mặt với rủi ro trở thành nước thao túng tiền tệ, theo đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ.

Có một thực tế là lâu nay hàng hóa Trung Quốc tìm mọi ngóc ngách, chiêu trò để vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ, tạo những con số thống kê xuất siêu ảo cho giá trị kinh tế hàng hóa “made in Vietnam”.

Một vấn đề khác mang tính căn cơ cho giải quyết: đó là cần vận hành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam tương tự như thế giới; đặc biệt là cần chấm dứt việc ‘thử nghiệm’ cái gọi là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Một vô lý đang hiện diện quá lâu từ cung cách của nền kinh tế định hướng này, đó là việc vì sao nền kinh tế hàng hóa – tài chính của TP.HCM lại phải cứ đi năn nỉ van xin Trung ương hãy để lại cho ngân sách của TP.HCM nhiều hơn, ít nhất phải là 23%, chứ còn 18% như hiện nay là rất khó…

“Đầu tiên là Trung ương để lại 33% vào năm 2000, sau đó là 29% giai đoạn 2004-2006;  xuống còn 26% vào năm 2007 và sau đó là 23%, và hiện nay TP.HCM chỉ còn còn lại 18%. Tức là TP.HCM thu được 100 đồng, chuyển trung ương 82 đồng, giữ lại 18 đồng. Khi ngân sách để lại ít quá thì đầu tư cho cảng biển, đường sá, sân bay sẽ phải giảm đi…” – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân, diễn giải.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)