VNTB – KTS Hồ Long Phi: Úng ngập ở Sài Gòn, cần phải thay đổi tư duy

Kiều Phong (VNTB) Kiến trúc sư Hồ Long Phi (KTS Hồ long Phi) hiện là giám đốc trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu WACC – đại học Quốc gia TP.HCM. Ông được biến đến như là một chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc có tiếng và ông được Sở quy hoạch TP.HCM sử dụng như là một quân sư có uy tín nhất về lĩnh vực này. 

KTS Nguyễn Hữu Thái và KTS Hồ Long Phi trong hội thảo nói về vấn đề úng ngập tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kiều Phong

KTS Hồ Long Phi vừa lên tiếng đề xuất về tư duy quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề trị thủy cho thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyên nhân ngập úng từ đâu?

TP. HCM là thành phố nằm ở vị trí không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Thành phố rộng 2.000 cây số vuông và chịu ảnh hưởng về nước từ nhiều phía. Các yếu tố tác động bao gồm lũ phía trên từ thủy điện Trị An- Đồng Nai, lũ từ sông Sài Gòn, lũ từ đồng bằng Sông Cửu Long và nhất là tác động từ biển Đông khi những cơn bão đang có xu thế đi về hướng phía nam, tức là phía xích đạo.

Theo KTS Hồ Long Phi, Sài Gòn đang chịu những yếu tố rất khó lường. Tình trạng ngập đỉnh điểm vào năm 2008, rải rác thành phố có khoảng 120 vị trí ngập. Gần đây thủy tai có giảm xuống, lý do là những công trình đầu tư trước đã dần phát huy tác dụng ở nội thành. Thế nhưng, nước từ nội thành lại chảy ra ngoại thành. Quận 1, quận 3 và một số quận trung tâm đã ổn định về trị thủy bằng cách đổ hậu quả về ngập lụt cho quận 6, quận 8 và quận Thủ Đức. Không chỉ có TP.HCM, các thành phố khác cũng nối đuôi nhau ngập lụt nghiêm trọng, bao gồm Đà Lạt, Hà Nội và Huế năm 2011, Bình Dương và Nha Trang năm 2012, Buôn Mê Thuột năm 2013, Sơn La năm 2014. Đáng chú ý là vấn đề ngập nước ở các thành phố đó lặp lại giống hệt Sài Gòn mặc dù diễn ra sau trung tâm phía nam những mười năm. 

Không thể đổ cho nước biển dâng, vì Sơn La, Đà Lạt và Buôn Mê Thuột là những thành phố cao nguyên.


Do đó, theo KTS Hồ Long Phi, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc tiến hành cho xây đê tùy tiện. 

Sau năm 1975, chính quyền hô hào người dân đi đào đất đắp đê. Và từ lúc này, hệ thống đê phát triển mạnh về số lượng nhưng yếu kém về chất lượng. Bởi bản thân đê bao cơ bản hoàn thiện năm 2000 nhưng hệ thống chống ngập thì chưa hoàn chỉnh, do đó 60% thể tích nước thành phố chiếm giữ thì bị đẩy ra sông, điều này giải thích tại sao mực nước sông lại tăng đột biến như vậy. 

“Nếu chúng ta giữ nguyên hiện trạng, không bao đê, không san lấp thì mực nước sẽ giảm 25cm, đi theo độ tăng mực nước biển chứ không tăng nhanh như vậy,” KTS Hồ Long Phi cho biết.

Giải pháp dài hạn như thế nào?

KTS Phi khẳng định mạnh mẽ một điều, rằng “thiên tai là vô hạn, năng lực là hữu hạn”. Nơi nổi tiếng nhất về bảo vệ thủy lợi là Hà Lan với tần số 1/10.000, nghĩa là hệ thống thủy lợi của họ 10.000 năm mới quá tải một lần. Nhưng tính toán của các kỹ sư Hà Lan đã giảm xuống còn 1.000 năm vì biến đổi khí hậu, và họ cũng không loại trừ rằng tuổi thọ của bản thiết kế công phu mấy cũng sẽ giảm dần về 100 năm. 

Ông cũng đưa ra ví dụ về thủ đô Băng-côc của Thái Lan. Thành phố này nghĩ rằng sử dụng các hồ tích nước là giải pháp an toàn. Nhưng trận lụt năm 2011 đã thay đổi toàn bộ quan niệm. Các hồ chứa quá tải, nước đổ về thành phố, vượt quá năng lực bảo vệ của công trình chống ngập mà nước này hoàn thiện từ rất sớm ( năm 1995). Băng-côc thiệt hại 45 tỷ đô-la, và họ phải chi 75 tỷ đô-la để tái phục hồi nền kinh tế. Bài học rút ra đó là hệ thống cảnh báo quá yếu. Thái Lan có hệ thống quan trắc với những màn hình rất hiện đại mà Việt Nam chưa có mà còn chậm trễ thông tin như thế, liệu Việt Nam không chậm sao được.

Giải pháp dài hạn là tôn trọng không gian dành cho nước thay vì xóa bỏ nó.
Do đó, KTS Hồ Long Phi nói rằng Sài Gòn không thể đặt hoàn toàn hi vọng vào bảo vệ cơ bản, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta an toàn. Cần phải quy hoạch lại thành phố theo hướng thích nghi với ngập lụt và các yếu tố hiếm. Trong trường hợp bi đát nhất, thành phố cần tính đến phương pháp rút lui. Phải học chữ rút lui, rút lui rất quan trọng, ông nói: “Trước khi có mặt ở đây thì vùng đất Sài Gòn – Gia Định này là nước, rừng, thiên nhiên. Chúng ta chiếm chỗ của nước thì bây giờ nước chiếm lại. Trong tình huống nào đó nếu chúng ta có thể thua hoặc thắng với giá rất đắt thì phải rút lui. Ví dụ, đất nước Hà Lan đã “rút lui” qua việc, tìm cách khôi phục các bãi xung quanh các dòng sông để giảm cường suất lũ. Họ đã thuyết phục cộng đồng dời đi chỗ khác.”

Như vậy, giải pháp dài hạn cho việc xử lý úng ngập tại TP. HCM là tôn trọng không gian dành cho nước, không được phát triển các khu dân cư tùy tiện; hai là đặt mục tiêu giảm thiệt hại thay vị chỉ hạ thấp nguy cơ.
Nhưng muốn vậy, thì bản thân giới lãnh đạo thành phố phải buộc thay đổi tư duy về chống ngập, lún cố hữu nêu trên.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)