VNTB – Làm giáo sư có sướng hơn làm quan?

VNTB – Làm giáo sư có sướng hơn làm quan?

Song Minh

(VNTB) – Vụ lùm xùm sách giáo khoa lớp một khiến người dân hoang mang vì toàn là những giáo sư tiến sĩ từng là quan chức, song lẽ nào lại dường như cũng không thể soạn ra hồn một cái giáo án?

 

Rất nhiều người thắc mắc, tại sao viết sách toàn những giáo sư tiến sĩ mà không có sản phẩm nào ra hồn? Tại sao chất lượng giáo sư lại kém cỏi đến thế?

“Để trả lời cho câu hỏi nhức nhối này, các anh chị nên biết một câu chuyện gây bàng hoàng và nhức nhối không kém” – nữ nhà báo Bạch Hoàn, một cây bút tự do, kể:

Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán, thuộc trường Đại học Tôn Đức Thắng, vừa bị Hội đồng giáo sư Nhà nước loại khỏi danh sách phong giáo sư năm nay. Một trong những lý do chính là vì phó giáo sư Nguyễn Thời Trung có hàng trăm công bố quốc tế. Số công bố quốc tế tăng đột biến trong hai năm gần đây. Trong khi tiêu chí phong giáo sư chỉ cần 3 công bố quốc tế!?

Vậy là, ít công bố quốc tế (bằng chứng cho thấy năng lực của nhà khoa học) thì được phong giáo sư, còn nhiều công bố quốc tế sẽ bị loại!?

Bất chấp, Hội đồng giáo sư Nhà nước không chứng minh được bất cứ một công bố nào của phó giáo sư Nguyễn Thời Trung là kém chất lượng. Bất chấp, các nghiên cứu ấy đều được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. Bất chấp, chỉ đến giữa năm 2019, Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung đã sở hữu trên 5.500 trích dẫn khoa học theo ISI, làm chủ nhiệm và hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, đạt giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của Đại học Quốc gia Singapore…

Đặc biệt, Hội đồng giáo sư Nhà nước loại khỏi danh sách phong giáo sư vì thành tích quá xuất sắc của Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung, mà một trong những thành tích ấy là Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung được Tạp chí PLoS Biology (Mỹ) đưa vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Vì sao người bị loại lại có nhiều nghiên cứu công bố quốc tế – với con số mà cả cuộc đời những người ngồi ở Hội đồng giáo sư Nhà nước cũng không dám mơ ước? Là vì Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung giỏi giang, xuất sắc hơn người, lại đam mê khoa học. Vị Phó giáo sư này đang là phó Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng mà tự xin từ chức, để chuyên tâm làm công việc nghiên cứu…

“Đấy, người tài năng, người được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận, người có thành quả vượt trội, người đam mê khoa học, không tham lam quyền chức… lại bị cái gọi là Hội đồng giáo sư Nhà nước khước từ phong giáo sư. Nghĩa là, những người năng lực khiêm tốn hơn, kém cỏi hơn cả trăm lần mới được xét duyệt phong giáo sư! Đến đây thì các anh chị có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi vì sao sản phẩm của các giáo sư nhà nước mà chất lượng lại ở mức tồi” – nhà báo Bạch Hoàn, kết luận bi phẫn.

Đứng đầu Hội đồng giáo sư Nhà nước hiện tại là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ.

Ông Phùng Xuân Nhạ xuất thân khoa bảng là cán bộ giảng dạy của Trung tâm Bồi dưỡng lý luận Mác Lênin, thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ tháng 4/1986 đến tháng 8/1993.

Khi được Đảng ‘phân công’ ông Phùng Xuân Nhạ sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì với chức tước mới này ông cũng đương nhiên đồng thời kiêm luôn chức vụ Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước. Vậy là tư đây ông Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước đối mặt với những tố cáo từ một số nhà khoa học về chuyện ông Phùng Xuân Nhạ đã ‘gian lận học thuật’.

Bản tin đăng trên BBC https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43193993, cho hay ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.

Trong bản báo cáo, ông Dũng nêu chi tiết về các hành vi “tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, tạp chí giả khoa học” liên quan đến các bài báo khoa học của ông Nhạ. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi về việc “Hội đồng Chức danh Giáo sư có bị thao túng?”. Ông Dũng cũng công khai diễn biến của vụ việc trên trang Facebook cá nhân.

Tuy nhiên cái kết câu chuyện tố cáo công khai ở trên đã không được Chính phủ Việt Nam quan tâm; và chính điều này góp phần giải thích cho thắc mắc nêu ở phần đầu bài viết này, đó là “tại sao viết sách toàn những giáo sư tiến sĩ mà không có sản phẩm nào ra hồn? Tại sao chất lượng giáo sư lại kém cỏi đến thế?”…

Nói thêm, câu chuyện Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tố cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lẽ ra phải được ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, vì theo lý lịch, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có hàm “Giáo sư”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)