VNTB – Làm sao biết được là nhân dân đang tín nhiệm?

VNTB – Làm sao biết được là nhân dân đang tín nhiệm?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu gọi là khái quát kết quả Hội nghị lần thứ 12, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, vừa bế mạc vào chiều 14-5. Trong đó có đoạn ông nói rằng tiên quyết nhân sự lãnh đạo Đảng phải được nhân dân tín nhiệm. Thế nhưng làm sao để biết dân chúng có tín nhiệm hay không thì ông Trọng không thấy đề cập.

“Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và đặc biệt chú trọng một số vấn đề sau: (…)

Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ”. (*)

Thắc mắc đầu tiên: nhân dân có được quyền thể hiện sự tín nhiệm và bất tín nhiệm của mình về những đảng viên đang là các lãnh đạo? Nếu được quyền, thì người dân có được quyền tự do ‘kể tội’ trên cơ sở căn cứ pháp luật hiện hành, về những quan chức đảng viên mà họ cho rằng là phường sâu dân – mọt nước?

Đơn cử, người dân và cả số đông người am tường về luật, đang phản đối những lập luận cung cách ‘án bỏ túi’ từ hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Trách nhiệm lớn nhất về vấn đề tư pháp ở đây, không ai khác chính là ông Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương.

Vậy người dân có được quyền công khai và lên tiếng nghi ngờ về năng lực của vị Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương này, mà không phải ngại bị chụp chiếc mũ “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyển, lợi ích hợp pháp của công dân”?

Ngay cả yêu cầu nghe quen thuộc như một khẩu hiệu tuyên truyền: “Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng”, cho thấy sẽ rất mỉa mai, nếu xét các yêu cầu này đối với đảng viên Nguyễn Phú Trọng từ lúc ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau đó là Chủ tịch Quốc hội gần 2 nhiệm kỳ, và hoạn lộ tiếp theo là Tổng bí thư cũng sắp xong luôn 2 nhiệm kỳ. Ông còn đồng thời là Chủ tịch nước.

Và nếu xét thuần dưới góc đánh giá sòng phẳng về một chính trị gia, dễ nhận ra ông Nguyễn Phú Trọng có tham vọng quyền lực, song ông lại thiếu “kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng” – vì nếu có, chắc chắn việc ‘đốt lò’ phải được ông bắt đầu từ lúc ngồi vững vào ghế Chủ tịch Quốc hội.

_________________

Chú thích:

(*) https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/44467702-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-12-ban-chap-hanh-t-u-dang-khoa-xii.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)